Login Form

Số Người Truy cập

04211259
Today
Yesterday
This Week
Last Week
This Month
Last Month
All days
215
306
898
2567768
8539
28625
4211259

2024-03-19 10:01

Võ Thuật

Thái Cực Quyền - Tạp Luận Vấn Đáp

 LỢI ÍCH CỦA VIỆC LUYỆN TẬP THÁI CỰC QUYỀN

Ích lợi của việc luyện tập Thái Cực Quyền rất nhiều. Mỗi động tác của Thái Cực Quyền hầu như là sự vận động của toàn thân, làm cho mỗi bộ phận trong cơ thể có cơ hội hoạt động. Trong khi luyện tập cần có sự kết hợp động tác với hô hấp một cách tự nhiên, làm phát triển cơ quan hô hấp và gia tăng lượng hoạt động của phổi.

 

Read More

Lượng vận động tuy lớn nhưng không kịch liệt, làm cho huyết dịch tuần hoàn suôn sẻ, phát triển cơ năng tim, làm cho tim đập một cách hòa hoãn nhưng khỏe khoắn, làm giảm thiểu hiện tượng ứ máu và bệnh cứng động mạch. Đồng thời việc thay cũ đổi mới các tế bào (hiện tượng chuyển hóa) luôn luôn được xúc tiến, các phế vật trong cơ thể được bài trừ nhanh hơn. Sự luyện tập còn làm cho bao tử và ruột co thắt tốt hơn, ăn ngon miệng hơn, làm giảm các bệnh liên quan tới đường tiêu hóa (táo bón, đại tràng, đau bao tử… ). Nói chung cải thiện hệ thống tuần hoàn và hệ thống tiêu hóa trong cơ thể.

dsc03909

dsc03848

 Lớp Thái Thiều Gia tại công viên Gia Định, Tp. HCM

Tập luyện Thái Cực Quyền đòi hỏi “tâm tĩnh”. Việc nội liễm tinh thần và tập trung tinh thần là cách phát triển đại não rất tốt. Hơn nữa, trong sự vận động mà các động tác vốn dĩ đã phức tạp lại nối với nhau một cách hoàn chỉnh thì não phải làm việc hết mức và tập trung. Điều này là sự huấn luyện rất tốt đến trung khu thần kinh, tăng cường một cách tự nhiên- tác động điều tiết đối với các bộ máy sinh học toàn cơ thể, đặc biệt là hệ thống khí quản, làm gia tăng tính thích ứng của thân thể đối với ngoại giới. Như việc thích ứng với thời tiết nóng lạnh thất thường cũng như khả năng đề kháng với các bệnh truyền nhiễm.

Cho nên, nếu kiên trì luyện tập Thái Cực Quyền thì sẽ đạt được mục đích cường thân kiện thể và kéo dài tuổi thọ. Ngoài ra luyện tập Thái Cực Quyền còn giúp ta rèn luyện được các phẩm cách tốt đẹp như: trầm tĩnh, thanh thảnh, kiên nghị, nhẫn nại, mẫn cảm và tập trung ý chí. Ngày nay, mục đích của chúng ta khi luyện tập Thái Cực Quyền không chỉ đơn thuần coi nó như một môn võ thuật, mà còn coi nó là một phương pháp rèn luyện thân thể, khu trừ bệnh tật, làm cho chúng ta luôn luôn giữ gìn tinh lực được sung túc.

ĐẶC ĐIỂM CHỦ YẾU CỦA THÁI CỰC QUYỀN

Thái Cực Quyền là loại vận động đặc thù, không những khác với các môn thể thao thông thường mà ngay đến cả các môn quyền thuật khác nó cũng có phong cách riêng biệt. Sau đây xin được giới thiệu những đặc điểm chủ yếu.

1.     Động tác mềm mại, nhu nhuyễn, buông lỏng, thong thả.

Thái Cực Quyền đòi hỏi người tập phải “dụng ý bất dụng lực”, không được gồng căng cứng các cơ, toàn thể các khớp xương phải lỏng, bất kỳ động tác nào cũng phải mềm mại, buông lỏng, thong thả, tốc độ không nhanh mà chậm rãi. Như quyền luận có nói: “vận kình như trừu ty”, “mại bộ như miêu hành”. Thời gian đi một bài quyền thường khá dài.

 

dsc03492

dsc03489

dsc03722

dsc03725

          Thái cực quyền và khí công là 2 loại hình luyện tập rất được yêu thích

2.     Động tác nào cũng là vận động toàn thân.

Ở một số môn thể thao, thường phân chia vận động của tay, vận động của chân… Một số môn quyền thuật cũng thế, trước là đấm một quyền sau là đá một cước… Nhưng luyện tập Thái Cực Quyền thì khác, Thái Cực Quyền đòi hỏi sự chuyển động của toàn thân thể, hễ động một thì không chỗ nào là không động, hễ tĩnh một thì không nơi nào không tĩnh.

“Nhất động vô hữu bất động. Nhất tĩnh vô hữu bất tĩnh. Thượng hạ tương tùy, nội ngoại tương hợp.”

        Nếu như luyện Thái Cực Quyền mà không luyện được toàn thân vận động, mà có bộ phận “đứng chết trân”, thì đó là một khiếm khuyết lớn.

3.     Mỗi động tác cần được kết hợp với hô hấp một cách tự nhiên.

       Có người hỏi rằng: trong khi tập luyện các loại vận động khác, có bao giờ ngừng hô hấp đâu? Tại sao Thái Cực Quyền lại cho hô hấp là một đặc điểm của mình?

        Lý do như sau. Sự hô hấp trong Thái Cực Quyền là có quy luật, khi nào hít vào, khi nào thở ra đều được thực hiện nghiêm túc chứ không phải hít thở một cách tự nhiên mà bình thường người ta không chú ý tới, mà cũng không phải là miễn cưỡng gắng gượng dồn nén hơi thở. Sự hô hấp phải làm sao đạt được đến trạng thái: sâu, dài, đều, im, thoải mái tự nhiên. Đối với người mới học, chỉ cần hít thở bình thường tự nhiên là được rồi.

4.     Khi vận động cần phải “tâm tĩnh”.

       Tâm tĩnhtức là tâm thần an tĩnh, tinh thần nội liễm, không hoảng loạn, không hồ tư loạn tưởng … Điều này làm cho vỏ ngoài đại não êm dịu lại một cách từ từ, tuyệt đại bộ phận bị đi vào trạng thái khống chế - tức là có dịp được nghỉ ngơi. Ngoài ra, lượng hô hấp tăng nhiều, huyết dịch tuần hoàn mau chóng, giúp cho đại não thu được nhiều dưỡng liệu và dưỡng khí, điều này có tác dụng rất tốt đối với việc nâng cao và tăng trưởng cơ năng, và mức độ làm khỏe mạnh bộ phận cao cấp của hệ thống trung khu thần kinh. Năng lực hoạt động của trung khu thần kinh được mạnh mẽ thì có ảnh hưởng tốt đến hoạt động điều tiết, sự phối hợp hoạt động của các hệ thống khí quan trong cơ thể. Do đó, có thể khẳng định, yêu cầu “tĩnh tâm” của Thái Cực Quyền có cơ sở sinh lý học vững chãi và cũng là đặc điểm quan trọng nhất của Thái Cực Quyền

LUYỆN GIÁ TỬ VÀ ĐÒI HỎI CHÍNH XÁC TRONG CÁC TƯ THỨC

      Gọi là luyện giá tử khi ta đi liên tiếp từ thức này sang thức kia theo một thứ tự nhất định của bài quyền. Luyện giá tử còn gọi là bàn giá tử. Giá tử còn gọi là giá thức hay tư thức.

      Tập các động tác tư thức phải chính xác vì mỗi động tác của Thái Cực Quyền là sự vận động toàn thân, tức là mọi phần cơ thể đều hoạt động, phối hợp nhịp nhàng. Thường người mới học khó làm đúng yêu cầu này. Nên nhớ, bất kỳ động tác nào của Thái Cực Quyền cũng là động tác đồng thời toàn thân, không được có một bộ phận nào của cơ thể bị ngưng trệ. Hơn nữa, tư thức bài quyền còn phải đi cho đẹp. Động tác của tay đi theo đường tròn hoặc đường cung. Điều này người mới học cũng thấy khó làm. Như vậy, các động tác tư thức phải chính xác thì mới có lợi ích cho thân thể và thể hiện được vẻ mỹ quan và sự mực thước của Thái Cực Quyền.

      Để thực hiện được các động tác một cách chuẩn xác, đạt được "tận thiện tận mỹ", người mới học Thái Cực Quyền cần lưu ý hai vấn đề sau đây.

1. Tiến độ luyện tập không được quá nhanh.

      Người mới học thường bị tính hiếu kỳ thúc đẩy, chỉ cố ý ham học cái mới mà không ôn luyện cái cũ và thường biện minh là “học hết bài quyền trước rồi sẽ sửa tư thức sau”, mà kỳ thực học xong bài quyền rồi, sự lầm lẫn giữa nội dung và hình thức của tư thức đã định hình (tật), lúc đó sửa chữa lại mới thật là khó.

       Ngược lại, nếu học chậm, học hết một thức rồi tới thức khác, làm sao cho đến mức cổ nhân nói “chiêu chiêu đắc pháp, thức thức chính xác”, thì cơ sở quyền thuật mới vững chắc, công phu tự nhiên thành thục.

2. Luyện tập thường xuyên.

      Học xong một bài quyền rồi, phải luyện tập thường xuyên và dốc lòng nghiên cứu, tự mình thể hiện yếu lý của mỗi động tác, thì mới diễn quyền ngày một chính xác. Điều này không những nâng cao chất lượng vận động mà còn nuôi dưỡng được tập quán (phản xạ) ứng biến chậm lẹ. Nếu kém sức khỏe, tiến độ tập luyện chậm thì cũng không nên lấy đó làm tự ti. Cổ nhân nói câu “Công phu bất khuy thân” (công phu không phụ lòng người), ý nói gắng gượng được phần sức nào thì được bấy nhiêu phần hiệu quả. Chỉ có hằng tâm, không lười biếng thì nhất định sẽ thành công.

Tg: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Hình Ảnh Mới Nhất

  • Hun-luyn-s-dng-CCHT-2.JPG
  • IMG_0167.JPG
  • IMG_0195.JPG
  • IMG_0213.JPG
  • IMG_0417.JPG
  • Thiu-t-v-s-Thiu-Ngc-Sn-2.jpg
  • Thy--Vng.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-11.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-Sn-5.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-Sn-15.JPG
  • Vng-2.JPG