Login Form

Số Người Truy cập

04453647
Today
Yesterday
This Week
Last Week
This Month
Last Month
All days
448
384
2620
2806914
13500
28301
4453647

2024-11-21 10:02

Võ Thuật

Thái Cực Quyền Yếu Quyết

  • HƯ LINH ĐỈNH KÌNH

     Khái niệm "Hư Linh Ðỉnh Kình", "Ðỉnh Ðầu Huyền"

     Trên phương diện ngôn ngữ thì 'Hư linh đỉnh kình' và 'Ðỉnh đầu huyền' khác nhau, nhưng nội dung mà chúng muốn diễn tả thì chỉ là một. Ðỉnh kình trong hư linh đỉnh kình theo tự nghĩa mà giải thích là ở trên đầu giống như có một dòng kình lực hướng lên thượng đỉnh, nhưng thật ra không có cái gọi là "kình" mà chỉ là tác dụng của tinh thần mà thôi. Lý thuyết Thái Cực Quyền có nói: "Thần quán ư đỉnh", thì chữ "Thần" này chính là ý chỉ về tinh thần vậy. Mà tinh thần là ý niệm trừu tượng cho nên mới gọi là "hư linh đỉnh kình" vậy.

 

dsc03487 dsc03489

                                 Hư linh đỉnh kình

Read More

     Về đỉnh đầu huyền có hai giải thích: thứ nhất cho là đỉnh đầu huyền là đỉnh đầu được một sợi dây tưởng tượng treo lên (giống như trong đồ của chơi trẻ em có loại búp bê vải con con có dây treo trên đầu vậy), thứ hai cho là giống như là trên đầu có đặt một vật gì đó mà không được để cho nó rớt xuống. Cả hai lối giải thích đều có lý cả.

      Hư linh đỉnh kình và đỉnh đầu huyền đòi hỏi đầu phải được giử cho ngay ngắn, không cúi trước ngửa sau, không méo trái lệch phải. Ðầu là chủ tể của thân, nếu đầu không được ngay ngắn thì tất ảnh hưởng đến sự chính xác của tư thức và sự linh hoạt của động tác. Gặp khi chiến đấu thật sự dễ mất trọng tâm do đó dễ bị người chế ngự.

      Người mới học nếu lần tập nào cũng không thực hiện được sự yêu cầu nêu trên thì dễ mắc phải bệnh cổ cứng đờ không linh hoạt, nếu chỉ chú ý giử cho đầu được ngay thẳng thì quên trầm khí đan điền, hoặc mắc phải các lổi lầm khác, cho nên người mới học nên ghi nhớ cẩn thận điều này, nên chú ý thường xuyên.

     Hai yêu cầu của "đỉnh đầu huyền và vĩ lư trung chính" có quan hệ mật thiết trong hoạt động của thân thể, nếu giử cho đỉnh đầu được như treo (như chỉ mành treo chuông) thì xương vĩ lư sẽ ngay ngắn; mà ngược lại nếu xương vĩ lư không ngay thì cũng khó mà giữ cho đỉnh đầu như treo được.

  • HÀM HUNG BẠT BỐI

     Khái niệm " Hàm Hung Bạt Bối " , Ý nghĩa và Phương pháp thực hiện.

     Khi thực hiện mỗi động tác của Thái Cực Quyền, phải giữ cho ngực hơi hơi ngậm lại (nơi hàm), nên gọi là hàm hung; trong lúc hàm hung, cơ lưng hơi nổi lên tiện cho việc hành khí dụng chiêu, nên gọi là bạt bối.

     Ðể làm sáng tỏ vấn đề này, trước tiên cần phải nói rõ sự cấu tạo của ngực.

     Thể xoang của con người có thể chia làm hai bộ phận. Trên hoành cách mô là xoang ngực, dưới hoành cách mô là xoang bụng. Trong xoang ngực lại chia làm ba xoang: xoang giữa chứa đựng tim là vi tâm xoang, hai xoang trái phải chứa hai lá phổi, tức là phế xoang. Xương sườn của con người cong xuống như hình cung. Nếu như xương nhục ở trong vùng xương sườn co rút lại, thì xương sườn nổi lên, đồng thời ngực lòi ra, xoang ngực sẽ nở to hơn, phổi nở lớn ra, và là lúc hít vào. Ngoài ra hoành cách mô co rút xuống dưới sẽ làm cho xương ngực nở thêm mà hít hơi vào. Trên đây là cách hít thở chủ yếu của lối hít thở bằng ngực (hung thức hô hấp). Còn sau đây là chủ yếu của lối hít thở bằng bụng (phúc thức hô hấp). Ðể tăng cao phế hoạt lượng, nghĩa là nâng cao sức khỏe, Thái Cực Quyền đòi hỏi phải phát triển lối hô hấp bằng bụng.

     Trong vận động Thái Cực Quyền, ý nghĩa hàm hàm hung bạt bối có ba điểm:

     1. Ðộng tác của Thái Cực Quyền vốn là động tác kết hợp với hô hấp. lại còn phải thường thường hàm hung, tức là làm cho hoành cách mô hạ xuống, làm cho phổi nở nang, phát triển lối hô hấp bằng bụng, tăng gia phế hoạt lượng.

     2. Lúc mà ta hàm hung, chính là lúc hoành cách mô hạ xuống, lại còn thêm vào đó ảnh hưởng của sự kết hợp hô hấp với vận động, thì phúc áp (cái áp lực của các cơ bụng và hoành cách mô đối với nội tạng của bụng) luôn luôn biến đổi, làm sự trở về tim của máu được nhanh chóng, cải tiến sự tuần hoàn của máu.

     3. Lúc tập thôi thủ với bạn, trong vài động tác nào đó cũng cần phải giử hàm hung bạt bối, Thí dụ như để hóa giải một đòn tay của đối phương từ chính diện tới, nếu như không hàm hung thì không dễ dàng hóa giải; từ chính diện nếu muốn thực hiện động tác "phát" đối phương (trong thuật ngữ Thái Cực Quyền, hễ ném văng đối phương ra thì gọi là "phát" hay "phóng"). Nếu không hàm hung thì không thể dễ dàng "phát" được. Khi nên hàm hung mà ta lại không, thì ngực dễ có khuynh hướng ươn lồi ra, thế thì hoành cách mô đi lên, khí nổi lên, không trầm xuống đan điền, khí không trầm xuống thì thân nổi lềnh bềnh, hạ chi vô lực, kết quả là dễ bị "phát" ra xa.

     Ðây là trạng thái được hình thành một cách liên tục và nhất quán. Do đó trong vận động Thái Cực Quyền, hàm hung là một vấn đề quan trọng.

      Thực hiện hàm hung bạt bối rất đơn giản, ta giữ làm sao cho ngực đừng có ưỡn ra, vênh ra, mà lại hơi hóp vào. Bạt bối thì tương ứng với hàm hung, các bắp thịt lưng hơi hơi nổi lên, nhô ra. Cùng lúc ấy, khi hít thở một hơi dài thì bụng dưới sẽ hơi hơi đập.

      Hai điểm sau đây cần phải được chú ý:

     1. Trong Thái Cực Quyền không phải bất cứ động tác nào cũng cần phải giử hàm hung bạt bối. Chỉ ở các động tác mà thân pháp hạ giáng (như Hải đề châm, Ðơn tiên hạ thức chẳng hạn), hoặc ở các động tác thôi, án của tay (như thế án ra của Lãm tước vĩ, thế đẩy của tay phải ở thức Ðơn tiên chẳng hạn), mới cần giử hàm hung bạt bối mà thôi. Nếu như mỗi động tác đều đòi hỏi giữ yêu cầu này thì hóa ra lại hạn chế đi sự phát triển của xoang ngực, gây ảnh hưởng không tốt tới sự nẩy nở của thân thể.

     2. Yêu cầu hàm hung bạt bối ở Thái Cực Quyền tương phản với với yêu cầu điển hung hoặc thiển hung (ngực đầy đặn) ở một số môn quyền thuật khác. Ðiển hung là ngực để nở ra, ưởn ra. Và cũng khác với yêu cầu của Thông bối quyền; hấp hung là làm cho ngực thóp vào tới mức có thể thóp được. Ðiển hung, hấp hung, và hàm hung là ba tác pháp hoàn toàn khác nhau. Khi luyện tập Thái Cực Quyền, hãy nhớ không nên hàm hung quá độ mà biến thành hấp hung mất.

     Cũng như có người hiểu sai rằng: bạt bối là làm cho eo lưng cong ra sau; nếu luyện quyền như thế lâu ngày thì thân sẽ bị tật lưng khòm. Trong Thái Cực Quyền không có động tác nào đòi hỏi eo phải cong ra sau cả. Cần nên nhớ là, bạt bối và vĩ lư trung chính, tuy hai mà một, không có gì mâu thuẫn. Người học Thái Cực Quyền nên lưu tâm thể nghiệm.

  • KHÍ TRẦM ĐAN ĐIỀN

     Khái niệm, ý nghĩa, cách thực hiện

     "Đan điền"", là danh từ thường thấy trong thư tịch của Ðạo gia hay trong y thư cổ đại Trung Hoa. Nội dung của nó nói lên quan điểm luyện tĩnh dưỡng sinh. Theo luận thuyết của Ðạo gia: dưới lổ rốn khoảng ba tất (hoặc một tất mấy phân) có khoảng không gian trong bụng gọi là đan điền. Ðây là nơi tu luyện nội đan nên gọi là đan điền.

     Ðan điền còn được phân biệt thượng, trung, hạ. Dưới rốn là hạ đan điền, dưới tim là trung đan điền, khoảng giửa hai đầu lông mày là thượng đan điền. Nhưng thông thường các môn quyền thuật khi nói đến đan điền thì ý ám chỉ là hạ đan điền.

     Lý thuyết về đan điền có đúng không?

      Khoa giải phẫu học cho thấy rằng trong xoang bụng ở dưới rốn, ngoài tiểu trường, đại trường, bì niệu sinh thực khí, thì không còn vật gì khác. Như thế phải chăng đan điền chỉ là sự tưởng tượng của cổ nhân, không có tính cách khoa học?

       Về chữ "khí" trong "khí trầm đan điền" thì khí ở đây là cái gì? Tuyệt đối không phải là không khí do sự hô hấp. Bởi vì không khí do sự hô hấp chỉ có thể thông qua khí quản, thanh quản và xoang mũi mà ra vào phổi, tuyệt không thể vào xoang bụng. Hiển nhiên, lý thuyết này cũng không có tính khoa học.

      Thế thì, làm thế nào mà ý niệm "đan điền" phát sinh được? Nguyên nhân chính là: Trong lúc hít thở sâu, vì hoành cách mô hạ xuống, bụng phồng ra; phần bụng dưới rốn tương đối nở rõ hơn, và do sự luyện tập lâu ngày, cơ năng thần kinh phát triển mạnh. Dưới sự khống chế của hệ thần kinh, các cơ bụng có thể căng thẳng một cách cực độ, đàn tính rất cao, thậm chí không sợ đấm đá nữa. Các bậc Ðạo gia khi xưa không hiểu rõ sinh lý học, gọi chổ đó là đan điền, họ nghĩ rằng khí có thể chìm xuống đan điền. Ðiều này rõ ràng là không phù hợp với khoa học ngày nay.

     "Khí trầm đan điền" là thuật ngữ thường dùng của giới quyền thuật, cho nên quyển sách này cũng nương theo đấy mà dẫn dụng, mượn nó để làm sáng tỏ vấn đề. Chúng ta nên thẳng thắn phê phán những lý thuyết sai lầm, và mặt khác xiển minh những nhận định đúng đắn, mà có thể gồm lại trong ba đìểm sau đây:

     1. Hít thở sâu khi vận động, kết hợp hô hấp với vận động, hạ hoành cách mô xuống một cách có ý thức, tất cả đưa đến các kết quả là khoáng đại phế hoạt lượng, thay đổi phúc áp, xúc tiến sự tuần hoàn của máu, tăng gia cơ hội hoạt động của các khí quan trong cơ thể.

     2. Bất luận lúc đi đứng hay nghỉ ngơi, lúc nào cũng ý thức về bụng dưới (đan điền). Như vậy làm cho tinh thần nội liểm, tránh được tâm viên ý mã, hồ tư loạn tưởng, tầng ngoài đại não có thể nghỉ ngơi một cách cục bộ. Lợi dụng lúc được nghỉ ngơi ấy, thông qua hệ thần kinh tương ứng với các cơ quan nội tạng, làm cho cơ năng của nội tạng được điều hòa và cải tiến và do đó mà dần dần nâng cao mức sức khỏe toàn diện của cơ thể, nói văn hoa hơn là thực hiện được cái đạo lý "bồi dưỡng nguyên khí". Kỳ thực chính là tạo ra một ảnh hưởng quyết định đối với sự hoạt động của hệ thần kinh cao cấp, có thế mới làm thân thể tráng kiện.

     3. Hễ khí trầm xuống (tức là hoành cách mô hạ xuống) thì trọng tâm đi xuống, như thế bàn chân mới ổn cố, đến khi cùng bạn tập thôi thủ, mới không bị daođộng trọng tâm mà té ngã. Người học nên chú ý: Luyện tập Thái Cực Quyền không phải là trầm khí đan điền từ đầu đến cuối, mà tùy theo sự vận động, tùy sự thay đổi của hô hấp, để cho hoành cách mô lúc lên lúc xuống. Khi thì khí nổi, khi thì khí trầm, đều là tự nhiên nhi nhiên, hình thành một cách hữu ý vô ý. Có như vậy mới khiến cho thân thể nổi chìm và biến hóa hư thực. Trải qua sự luyện tập bền bỉ, mới có thể nâng cao tính linh hoạt của động tác và hiệu quả của sự vận động.

     Ở phần trên đã nói rằng lý thuyết về đan điền không phù hợp với cái nhìn khoa học, nó chỉ là một thiết tưởng của người xưa. Ngày nay chúng ta không tin suông thuyết củ một cách mù quáng mà nhìn một cách soi mói. Bản thân của thuyết đan điền có được cái sắc thái bền bỉ. Là vì xưa khoa học chưa phát triển, người ta mượn nó để gán vào cái mục đích tập tĩnh dưỡng sinh. Nay, trên khía cạnh sinh lý học mà nhìn, tuy nó thiếu khoa học tính nhưng còn có chổ dùng tích cực nhất định. Còn cái gọi là "luyện đan" của Ðạo gia, thực sự chỉ là thần bí hóa vấn đề, làm nhận thức của người khác thêm mơ hồ.

  • TUNG YÊU

      Khái niệm, phương pháp thực thiện:

     Tung yêu (Lỏng eo) trong Thái Cực Quyền là eo không dụng lực căng thẳng, không mảy may kình cương mà eo phải tung, nhuyển, linh hoạt, thuận cho sự biến hóa của động tác và sự biến hóa hư thực.

dsc02320

dsc02359

                                Tung yêu - Liễm đồn

     Ðể hiểu rõ vấn đề này, trước hết cần nói vế sự cấu tạo của eo. Thông thường mà nói, eo là khoảng giửa của hai bên lưng và thân. Giửa lưng là một cột xương sống. Cột xương sống do nhiều đốt xương tạo thành. Trong mỗi đốt xương sống này có một lớp nhuyển cốt. Lớp nhuyển cốt này mềm dai và có tính đàn hồi, nhờ đó mà cột xương sống có tính chất dẻo dai, linh hoạt. Các nhóm cơ ở eo chủ yếu gồm có: yêu đại cơ, yêu phương cơ, yêu bối cân mô. Các cơ này dính với xương cốt, cơ thể, hình thành sự vận động. Ðặc tính của cơ là có thể co duỗi, và dưới sự khống chế của hệ thần kinh các cơ ấy hoạt động một cách có quy luật - ý muốn căng thẳng hay buông lơi thì các cơ ấy sẽ co thắt căng thẳng hay buông lỏng. Khi các cơ ở eo căng thẳng thì các cơ ở tứ chi cũng căng thẳng lên, như vậy nếu thịt xương ở eo mà căng thẳng thì sự chuyển động không còn linh hoạt nữa; ngược lại nếu thịt xương ở eo được buông lỏng, các quan tiết lỏng lẻo, trong bắp thịt lỏng, các bộ phận như tứ chi sẽ vận dụng một cách tự nhiên. Buông lỏng eo trong Thái Cực Quyền là như vậy.

     Tại sao phải buông lỏng eo? Ít nhất là có hai lý do:

      1. Như đã nói trên, có buông lỏng eo thì thân mới linh hoạt, không ngạnh kình (cứng ngắc), mới không gây ảnh hưởng trên sự hoạt động của chân tay.
      2. Có buông lỏng eo mới dụng ý được. Thái Cực Quyền chủ trương dụng ý bất dụng lực, mà cái động của ý do eo thể hiện trước tiên, đó là ý nghĩa câu:Mệnh ý nguyên đầu tại yêu tế ", chính vì eo là chủ tể của thân, chỉ khi nào eo tung nhuyễn linh hoạt mới có thể khống chế các bộ phận khác của thân thể, mới có thể biến hóa hư thực dễ dàng.

     Cũng nên nói rõ thêm một chút, tung yêu có phải là eo hoàn toàn mềm lỏng (tung nhuyễn) không sức hay không? Hiểu như vậy là hoàn toàn sai lầm! Bởi vì "sự buông lỏng" (tung) eo ở đây là sự buông lỏng dưới tác dụng của ý thức, chứ tuyệt không phải là cái eo thực sự vô lực như ở eo của một số người yếu đuối mềm nhũng không có chút lực nào. Cũng cần nên biết rằng kình trong Thái Cực Quyền được vận dụng một cách cương nhu tương tế (cứng mềm đắp đổi), lúc cương lúc nhu, lúc thì buông lỏng mềm mại, lúc thì quyết liệt. Yêu cầu về "Kình" là "Cực nhu nhuyễn nhi hậu cực kiên cương" có đạt được mới là thỏa đáng vậy.

      Cách thực hiện tung yêu là như sau:

      1. Trước hết, eo và toàn thân không được kình cương, nếu còn kình cương tức là chưa được tung yêu.

      2. Trong một số động tác, bắt buộc phải tung yêu, như: lúc hướng trước mại bộ (thả chân đạp một bước), ở Lâu tất ảo bộ cần phải tung yêu, ở Ban lan trùy và Phiến thông bối, lúc quyền hoặc chưởng duỗi ra cần phải tung yêu; lúc thực hiện sự lên xuống ở Ðơn tiên hạ thức, Ðề thủ thượng thức cần phải tung yêu...

     3. Ðồng thời với tung yêu, thân phải giử cho trung chính an thư, vì lư trung chính, đỉnh đầu huyền, hàm hung bạt bối, nếu không thì cố thử thất bỉ (giử được đìểm này mà không giử được điểm kia).

  • LIỄM ĐỒN - ĐIẾU ĐƯƠNG

     Khái niệm và phương pháp

     Liễm đồn còn gọi là Thủy đồn hoặc Hộ đồn. Liễm đồn là một tư thế theo đó bất kỳ một động táp nào mà người trầm xuống ta đều giữ cho mông tự nhiên buông xuống (tự nhiên hạ thùy), chứ không chống ra sau.

      Ðiếu Ðương còn được gọi là Điếu đang là một tình trạng cơ thể, đó là lúc luyện quyền ta làm cho cơ nhục gần giang môn (hậu môn) nhè nhẹ đưa lên (tức là nhíu hậu môn).

      Việc liễm đồn trong lúc luyện quyền là nhất trí với yêu cầu "vĩ lư trung chính" và "đỉnh đầu huyền".

      Trên mặt sinh lý, liễm dồn có hai ý nghĩa:

      - Giữ được trạng thái tự nhiên của thân thể, làm cho thân thể nẩy nở tự nhiên.

     - Tiện cho khí trầm đan điền, khí huyết hoán thông.

      Trên mặt kỹ kích, cũng có hai ý nghĩa:

      - Liễm đồn thì dáng mới tròn, toàn thân mới hợp thành chỉnh kính (kính hoàn chỉnh không dứt), động tác của hạ chi mới có thể khinh linh vô trệ, tiến thoái na di (dời đổi) mới mau mắn trơn tru.

      - Ðộng tác Thái Cực Quyền lấy eo làm chủ thể, eo như trục xe mang thượng chi và lưỡng quyền, cải chiêu hoán thể đều có thể theo ý muốn mà ứng thủ; trái lại, không liễm đồn thì mông dao động lắc lư trái phải làm cho eo dao động, thì toàn thân tán loạn, rất dễ bị đối phương chế ngự.

       Cùng lúc với liễm đồn là Điệu đáng, tức là không để cho co nhục ở hậu môn hở ra, buông ra, mà làm cho khép, thâu vào.
      Trên mặt sinh lý, điệu đáng có hai ý nghĩa:

      - Xúc tiến sự tuần hoàn của một phần nào huyết dịch nội tạng ở hậu môn, trực trường và phúc xoang.

      - Giúp cho eo và xương sống ngay ngắn, nẩy nở tự nhiên.

      Trên mặt kỹ kích, có điệu đáng mới dễ cho việc hình thành kính hoàn chỉnh nối thượng và hạ chi, và để cho việc điều tiết linh-hoạt-tính của thân thể.

  • HỌA PHÂN HƯ THỰC

          Khái niệm và phương pháp

      Về sự phân chia hư thực của hai chân, nhưng trong Thái Cực Quyền ngoài hạ chi ra còn có thượng chi và thân thể với các bộ phận của nó cũng được phân chia hư thực. Ðó chính là ý nghĩa của câu " xứ xứ quân hữu nhất hư thực". Ðây là một đặc điểm của Thái Cực Quyền.

      Sự lý giải hư thực ở hai chân tương đối dễ dàng, còn ở hai tay và thân thì làm thế nào biết đâu là hư đâu là thực? Ở đây hư thực là do "Ý", ý đến đâu thì nơi đó là thực. Nơi nào ý không đến thì nơi đó là hư.

     Thí dụ như:

     1. Trong động tác Ðơn tiên, tay trái là thực, tay phải là hư, bởi vì lúc này ý đặt tại tay trái, đây mới chỉ là sự phân chia hư thực sơ bộ; nếu ta xem tay trái là một thì cườm chưởng trái là thực, các phần khác của tay trái là hư, đây là sự phân chia hư thực bước thứ hai. Cho nên nếu xem động tác của Ðơn tiên là một, thì ta đã có hư thực, rồi tay trái của Ðơn tiên lại được chia hư thực. Thì đây chẳng phải là ý nghĩa của câu "xứ xứ quân hữu nhất hư thực" ư?

     2. Cung tiễn bộ trong động tác Ðơn tiên cũng được chia hư thực. Trong Thiếu Lâm quyền, Cung tiễn bộ hình thành bởi hai chân đều gánh chịu thể trọng. Nhưng trong Thái Cực Quyền thì lại khác; ở Ðơn tiên, chân trái là thực, chân phải là hư. Ðây là hư thực ở hạ chi.

dsc03724 img 1130

             Thiền và Khí công Dịch Cân Kinh những bài tập bổ trợ

      Về hư thực ở các bộ phận khác của thân thể, người học cần hiểu rằng, tình trạng hư thực không ổn định nếu trên phương diện vị trí mà xét, và tình trạng hư thực rất ngắn ngủi nếu trên phương diện thời gian mà xét. Sự hư thực này biến hóa theo sự biến hóa của tư thức, cho nên Vương Tông Nhạc triều Thanh viết Thái Cực quyền luận có nói: " Tả trọng tắc tả hư, hữu trọng tắc hữu yếu, ngưỡng chi tắc di cao, phủ chi tắc di thâm ", mà đạt được tình trạng này là do vận dụng được sự biến hóa hư thực. Muốn vận dụng hư thực vào trong mỗi động tàc tư thức của Thái Cực Quyền không phải là dể dàng đâu, mà cần phải có thời gian luyện tập lâu dài mới nắm được yếu lý và vận dụng tương đối khá. Nay nêu ra ở đây vài điểm theo thứ tự để người học dần dần thể nghiệm mà hiểu ra:

      -  Ở mỗi động tác, trước hết phải phân chia hư thực ở hai chân.

      -  Biết dụng ý bất dụng lực, phải biết ở mỗi động tác "Ý" đặt ở đâu, sau đó mới vận dụng sự biến hóa, hư thực trong suốt các động tác liên tiếp với sự điều khiển của ý.

      -  Sau khi luyện tập thuần thục rồi, luyện tiếp đến thôi thủ, nên lưu tâm đến sự biến hóa và tác dụng của hư thực trong động tác thôi thủ, cho đến khi đạt đến cảnh giới tùng tâm sở dục, ấy mới là thành công vậy.

     Phân hư thực - Kỵ song trọng

     Trong khi luyện tập Thái Cực Quyền, sự hoạt động của hạ chi lúc nào cũng phải ở vào tình trạng hư thực phân minh (ngoài hạ chi ra, thượng chi và các bộ phận khác của cơ thể cũng có chia hư thực). Sự phân minh hư thực là một đặc điểm chính của Thái Cực Quyền. Ở đây chỉ bàn riêng về sự phân minh hư thực của hạ chi mà thôi.

     Hư thực là cái gì? Ở hạ chi, hư thực là như thế này: Nếu chân trái gánh chịu trọng lượng của toàn thân thì chân trái được gọi là thực, còn chân phải là hư, và ngược lại. Hễ chân nào thực, dù phải gánh chịu thể trọng, không được mảy may dao động, còn chân kia thì di động một cách nhiệm ý.

     Thế nào là "thực"? Thực ở dây có ngụ ý kiên thực (vững thật), sự dụng kình của chân thực có quy luật hẳn hoi, không trệ sáp (không rối rít), mà cũng không cương ngạnh không linh hoạt. Thế nào là "hư"? Hư hàm ý linh hoạt, tung nhuyễn, chứ đừng nghĩ theo theo ý hư không hoặc hư vô. Hư thực trong sự vận động của Thái Cực Quyền đều là sự biến hóa nhân vi cả. Hư là sự chuẩn bị cho thực và ngược lại.

     Sự phân Thanh hư thực có ba ý nghĩa như sau:

      1. Thuận tiện cho sự vận động, tức là thuận với sự biến hóa của tư thức và sự di động của bộ pháp.

      2. Làm cho chi đứng được vững vàng. Hai chân được rèn luyện khi hư khi thực làm cho chân thực ổn cố bất động, chân hư khinh linh tiện cho sử dụng. Lúc thôi thủ song phương, sự công thủ đều thuận lợi.

      3. Do sự phân chia hư thực mà lượng vận động tăng gia theo. Bình thường, hai chân cùng gánh chịu thể trọng; khi tập Thái Cực Quyền thì chỉ còn có một chân gánh chịu, tức là làm tăng thêm động tác co duỗi, và lượng vận động như vậy tăng lên ít nhất là gấp đôi. Hiệu quả của sự vận động theo đó mà được nâng rất cao.

     Lúc vận dụng bộ pháp hư thực, cần phải để ý các điểm sau:

      1. Mại bộ (chân bước đi) không được quá xa, quá lớn; nếu khoảng cách hai chân quá xa thì sự đổi bộ không được linh hoạt mà dễ trệ sáp, và sẽ phạm lỗi song trọng một cách dễ dàng.

      2. Trong mỗi động tác, hạ chi thường biến đổi hư thực, thức là đem thể trọng dồn về một chân; nhưng đối với các động tác khó phân hư thực như Thập tự thủ, Ðơn tiên, thì càng nên chú ý.

      3. Mại bộ cần phải khinh linh, ổn cố mà lại hữu lực, tức là lúc mại bộ, một chân đạp thực vững vàng rồi mới đi tiếp một bước khác, sao cho "mại bộ như miêu hành".

     Song trọng là gì? Là để thể trọng lên cả hai chân, không chia làm hư với thực. Thái Cực Quyền rất kỵ lổi này, vì nếu cả hai chân song trọng thì cất bước sẽ nặng nề, sự di chuyễn sẽ không được nhẹ nhàng linh động, dễ bị khống chế, làm giảm đi hiệu quả của sự vận động.

  • THƯỢNG HẠ TƯƠNG TÙY

     Khái niệm và phương pháp

      Khi luyện tập Thái Cực quyền, bất luận thực hiện động tác nào cũng phải làm cho sự vận chuyển của các bộ phận thân thể cùng với thượng, hạ chi ăn khớp, phối hợp với nhau. Sự vận chuyển ăn khớp này gọi là thượng hạ tương tùy.

     Trong quyển Thái Cực quyền Luận có nói: " Kỳ căn tại cước, phát ư thối, chủ tể tự yêu, hình ư thủ chỉ, do cước nhi thối nhi yêu tổng tu hoàn chỉnh nhất khí "; câu này muốn nói rằng khi luyện tập, chân như là rễ của cây cối, có thể làm cho thân vững vàng, mà tính vững vàng này lại do đùi phát xuất, rót đến tận dưới gót chân; còn eo là chủ tể của thân, vì nó là cái trục quay trung ương, kình lực phát ra do eo đi xuống dưới thì qua đùi mà đến bàn chân, đi lên trên thì qua vai và cánh tay mà rót đến ngón tay. Do đó trong bất cứ động tác nào, đều phải làm cho toàn thân là một khí hoàn chỉnh, mới là thượng hạ tương tùy.

      Thượng hạ tương tùy có ý nghĩa ra sao? Theo Thái Cực quyền luận: "...Hướng tiền thối hậu, nãi nâng đắc cơ đắc thế, hữu bất đắc cơ đắc thế, thân tiện tán loạn..." Ý muốn nói: Thượng hạ tương tùy giúp cho sự tiến thối được cơ được thế, thân pháp mới không tán loạn.

      Do đó có thể phân tích trên hai mặt:

      1. Trên mặt vận động:

       Mỗi động tác Thái Cực quyền đều là hoạt động của toàn thân, đều là hoạt động toàn diện, cả trong lẫn ngoài, cả trên lẫn dưới, do đó chúng ta thấy ngay rằng thương hạ tương tùy trên phương diện sinh lý vận động cốt là làm cho thân thể vận động toàn diện.

      2. Trên mặt Kỹ kích: (Sử dụng trong chiến đấu)

      Có thượng hạ tương tùy mới chiếm được thế cơ, thân pháp hoàn chỉnh nhất khí nên tiến thoái mới thuận lợi, thôi thủ mới chiếm phần thắng. Nếu như thân pháp tán loạn, chân tay không thể hợp tác, khí như áo rách tả tơi, sẽ bị người ta chế ngự.

     Ðể thực hiện được thượng hạ tương tùy, nên chú ý mấy điểm sau đây:

      1. Khi luyện tập Thái Cực quyền, bất luận đối với động tác nào, đều phải làm cho tay chân nhất trí với nhau, không được chia ra trước hay sau. Thông thường là ta hay mắc phải lỗi là chân tới trước rồi tay mới tới sau, tức là mại bộ thì nhanh còn thủ thế thì chậm; thứ đến là các động tác khuất thối tọa yêu (rùn chân buông eo) cũng không di chuyển một lượt với thân.

      Sửa thế nào đây? Thái Cực quyền Luận có nói: " Hữu bất đắc cơ đắc thế xứ, thân tiện tán loạn, kỹ bệnh tất ư yêu thối cầu chi ", tức là các bệnh (lỗi) này đều do eo và chân gây ra cả, cho nên nếu muốn khắc phục thì nhắm ngay vào eo và chân. Phải thường chú ý luôn mới mong giữ được thượng hạ tương tùy.

      2. Trong lúc tập thôi thủ, có thể phát triển thêm một bước cái ưu đìểm của thương hạ tương tùy, như lúc hai người đang hoạt bộ thôi thủ, thủ pháp và bộ pháp phải nhất trí, tiến thì tê, thối thì lý; không được chậm trể mảy may; nếu trái lại ắt phải bị khống chế.

  • NỘI NGOẠI TƯƠNG HỢP

          Khái niệm và phương pháp

          "Nội" là tinh thần, mà tinh thần là cái gì vô hình, sự lành mạnh hay không của tinh thần là do thân thể biểu hiện, mà mỗi động tác của thân thể được hình thành dưới sự chi phối của hệ thống thần kinh - tức là vỏ đại não. Khi não ở trạng thái hưng phấn thì tinh thần sung túc sãng khoái; khi não bị ức chế thì tinh thần ủy mị. Yêu cầu nội ngoại tương hợp của Thái Cực Quyền có quan hệ mật thiết với trạng thái của vỏ đại não là như vậy.

          "Ngoại" là tứ chi bách hải của thân thể. Bất luận sự hoạt động toàn bộ hoặc cục bộ của thân thể, dù là hoạt động vi tiểu đến đâu, cũng phải chịu sự chi phối của thần kinh mới hoàn thành được, cho nên trong các tình huống thông thường, hoạt động nhục thể và tác dụng của thần kinh là không thể phân ly.

          Ðã như thế thì tại sao khi luyện tập Thái Cực Quyền còn đòi hỏi nội ngoại phải tương hợp? Sự đòi hỏi này chỉ là sự nhấn mạnh có tính cách cưỡng điệu hóa cái tác dụng chủ đạo của vỏ đại não, chiếm địa vị chủ soái trong lúc vận động, và sai khiến sự hoạt động của toàn thân. Vậy chúng ta có thể định nghĩa nội ngoại tương hợp như sau: Sự dung hợp của tác dụng tinh thần và vận động nhục thể. Vận động của Thái Cực Quyền có hiệu quả tốt, có hiệu năng y liệu là do tác dụng trọng yếu của tương hợp nội ngoại vậy.

          Muốn làm được nội ngoại tương hợp, thì trước khi khai thức cần làm cho tinh thần trầm tĩnh xuống, sau khai thức thì nội liễm tinh thần, tập trung tư tưởng, trong mỗi một động tác hành khí làm sao, dụng ý ở đâu đều phải được phối hợp một cách nghiêm mật
  • TƯƠNG LIÊN BẤT ĐOẠN

          Khái niệm và phương pháp

          Gọi là " Tương liên bất đoạn " khi sự dụng ý và vận kình từ chiêu thức này sang chiêu thức nọ đều liên tục không gián đoạn (có khi kình đoạn nhưng ý không đoạn).

          Sự vận động của Thái Cực Quyền là sự vận động mà từ khai thức tới thâu thức, thức này nối thức kia, đều liên tục bất đoạn, đồng thời với sự liên tục của khí. Các loại vận động bất đoạn liên hoàn này có thể xúc tiến sự phát triển ở cơ năng của các khí quan trong thân thể. Tỷ như bộ máy tiêu hóa của chúng ta không được tốt, thì sau một thời gian luyện tập Thái Cực Quyền, cơ năng tiêu hóa tốt lại, chúng ta trở nên thích ăn uống nhiều hơn, cho nên động tác của Thái Cực Quyền , tuy nhu hoà hoãn mạn, nhưng được thực hiện liên tục và bền bỉ, sẽ nâng cao tình trạng sức khỏe.

          Sự dụng ý ở Thái Cực Quyền tùy thuộc vào sự biến hóa của động tác. Phàm ý vận hành ở bộ phận nào trong cơ thể thì khí huyết đến nơi đó. Ý có thể đi khắp toàn thân nên khí huyết cũng chu lưu khắp cơ thể. Nếu trong người có chỗ nào bị bệnh (như viêm các quan tiết, thần kinh suy nhược, v.v...) thì do ảnh hưởng của sự vận hành khí huyết trong cơ thể, sau một thời gian nào đó các bộ phận ấy sẽ lành mạnh trở lại.

         Về mặt chiến đấu, nguyên tắc tương liên bất đoạn có giá trị nhất định của nó. Như trong lúc thôi thủ, do sự dụng ý và vận kình một cách tương liên bất đoạn, mới có thể phòng thủ nghiêm mật, không để hở chổ nào cho địch thủ có thể tấn công.

          Phương pháp để đạt tương liên bất đoạn như sau:

          1. Bình thường khi đi quyền không nên gây gián đoạn. Những người mới học nên chia thành những động tác đơn để tập luyện thì mới nắm được động tác. Ðiều quan trọng là khi hiểu được dộng tác rồi phải biết diễn luyện liên tục từ thức này sang thức khác, không một lúc nào ngưng nghỉ.

         2. Khi thực hiện các động tác, cái gọi là kình có thể gián đoạn nhưng ý thì không được gián đoạn. Ý bất đoạn chính là tinh thần thủy chung quán chủ, không một sát-na nào không quán chủ. Chổ nào ý cần phải đến, phải thực sự đưa ý đến hẳn hoi. Muốn nắm được điểm tâm lý này cần phải để tâm nghiên cứu.
  • ĐỘNG TRUNG CẦU TĨNH

         Khái niệm và phương pháp

          “Ðộng trung cầu tĩnh” trong Thái Cực Quyền là trong cái động của các động tác từ hoãn (chậm chạp mềm mại), tâm thần một mực bình ổn, điềm tĩnh. Ðó là giữ cái trầm tĩnh trong cái hoạt động vậy.

          "Ðộng" hàm ngụ các ý niệm vận động... có cái động bên ngoài của cơ thể là cái động tay chân. Có cái động bên trong như hô hấp, máu tuần hoàn, tế bào sinh hóa (hiện tượng tân trần đại tạ). Ý niệm "động" ở Thái Cực Quyền bao hàm hai phương diện ấy.

          "Tĩnh" hàm ngụ các ý nghĩa an tĩnh, bình ổn. Thực ra trong vũ trụ không có sự vật nào tuyệt đối ở trong trạng thái tĩnh, từ cái nhỏ như nguyên tử, phân tử, đến cái lớn như địa cầu, hệ thái dương đều ở trạng thái động hằng cửu. Người ta là một thể hữu cơ hoạt động, dù trong lúc ngủ, các hiện tượng sinh lý vẫn liên tục xảy ra. Cho nên, cái tĩnh trong Thái Cực Quyền là tương đối, là cái tĩnh ở một trình độ nhất định nào đó.

          Theo mặt sinh lý mà nói, động tác hoãn mạn nhu hòa làm cho sự hô hấp của phổi sâu và dài, làm cho nhịp tim đập chậm mà có sức, làm cho khí huyết đi khắp mọi nơi và đi đến nơi đến chốn. Vận động như vậy sau một thời gian dài, cơ năng các khí quan sẽ tiến triển, tức là thể chất và thể lực tăng triển. Nói một cách cụ thể nếu học viên nào ủ rũ vì thần kinh suy nhược hay tinh thần lờ đờ lúc ban ngày, mất ngủ lúc ban đêm, nếu trải qua một thời gian luyện tập Thái Cực Quyền nào đó, thì tinh thần có thể chuyển biến tốt hơn và ba tháng sau không còn bị mất ngủ nữa. Do nguyên nhân nào vậy? Bởi vì Thái Cực Quyền tự nó là một phương pháp vận động có tính cách nghỉ ngơi tích cực. Sự đòi hỏi tĩnh khiến cho những ai lo lắng buồn rầu phải xua đuổi tạp niệm, làm cho đại não có cơ hội nghỉ ngơi nhiều hơn, tức là làm cho thần kinh não chuyển biến từ suy nhược đến mạnh khỏe.

          Trên phương diện tâm lý, làm thế nào giử cho " tĩnh "?

          Ðây là sự trấn tĩnh trên phương diện tinh thần. Vỏ đại não là cơ sở vật chất của hoạt động tâm lý. Khi luyện quyền, ta bắt buộc phải nội liễm tinh thần, tập trung tư tưởng, trong não không nghĩ ngợi gì cả cho đến mức “mục vô sở thị, nhĩ vô sở văn”, tuy vận động mà vẫn y nhiên thản nhiên tâm thần thơi thới. Ðó chính là trạng thái mà Ðạo gia gọi là "nhập tĩnh" hay "hư vô". Chính trong trạng thái này, đại bộ phận của võ đại não bị đặt vào tình trạng ức chế, làm phát sinh tác dụng phản xạ có ích ở các khí quan nội tạng. Do ảnh hưởng của sự vận công liên tục, bệnh tình của bệnh nhân giảm và hết đi. Ðồng thời, trạng thái nhập tĩnh còn có tác dụng huấn luyện đối với hệ thống trung khu thần kinh, cơ năng của hệ thống này mạnh mẽ lên lại điều chỉnh và kích thích cơ năng của các hệ thống khí quan của nó. Vì vậy trên phương diện vận động sinh lý, nguyên tắc động trung cầu tĩnh có giá trị rất lớn.

          Người mới học rất khó thực hiện động trung cầu tĩnh vì động tác tư thức chưa được thuộc làu còn nhớ này quên kia. Nhưng không thể không biết yêu cầu này, biết để mà từ từ thử nghiệm.
Tp. HCM, ngày 31.5.2012
Ngochai biên tầm và giới thiệu

Hình Ảnh Mới Nhất

  • Hun-luyn-s-dng-CCHT-2.JPG
  • IMG_0167.JPG
  • IMG_0195.JPG
  • IMG_0213.JPG
  • IMG_0417.JPG
  • Thiu-t-v-s-Thiu-Ngc-Sn-2.jpg
  • Thy--Vng.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-11.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-Sn-5.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-Sn-15.JPG
  • Vng-2.JPG