Võ Thuật Thiều Gia - Võ Tự Vệ
WUSHU (武术) VÀ VÕ THUẬT
BUỒN VUI VỚI VÕ THUẬT VIỆT NAM
越南 武术
Trước hết xin nói rõ: không phải riêng tôi “buồn” mà tôi biết, cũng có một số người có tâm trạng buồn như tôi (!). Nhưng nói gì thì nói, buồn kiểu gì thì buồn, nhưng buồn cũng phải có lý do, có cơ sở, chứ không thể buồn theo kiểu:
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn…
Là người có nhiều năm gắn bó với nghiệp võ, đặc biệt là bộ môn Võ thuật Cổ truyền và cũng từng qua tham khảo, nghiên cứu nhiều môn như Võ Cổ truyền, Thiếu Lâm, Karatedo, Thái cực quyền… nhưng là một người Việt, thật sự nhiều khi tôi rất buồn vì có rất nhiều người hiểu không đúng về danh từ “Võ thuật” và cũng rất buồn vì “Võ Việt” nay chẳng được mấy người “quan tâm”.
Tôi từng gặp nhiều em xin cha mẹ cho đi học “Võ” nhưng các em lại chỉ khăng khăng đòi học môn wushu, các môn võ khác thì nhất quyết không học. Cái lẽ tự nhiên vì các em còn nhỏ, không biết đã đành nhưng cái đáng buồn, đáng trách là các bậc phụ huynh lại không biết làm thế nào để giải thích cho con em mình hiểu thế nào là wushu, thế nào là Võ và đặc biệt là môn Võ của dân tộc Việt.
1. Buồn vì hiểu không đúng về Võ thuật
Dưới đây xin mạo muội được giải thích và lẽ dĩ nhiên sự giải thích có thể chưa được đầy đủ, chưa thỏa đáng cũng mong mọi người lượng thứ và bổ xung cho.
a. Hiểu như thế nào về Võ thuật
Về chữ võ: Theo từ điển Hán Việt, chữ Võ 武 (hay Vũ) gồm ba chữ hợp thành: chữ Chỉ 止, chữ Qua 戈, chữ Nhất 一 (ở đây người viết cũng không hiểu vì sao chữ dặc 弋 [chỉ mũi tên] mà Hứa Thuận lại gọi là chữ qua 戈). nghĩa của các chữ:
- Chữ Chỉ:止 là dừng lại, ngăn cản, ngưng lại như cấm chỉ, đình chỉ, chỉ định…
- Chữ Qua: 戈 là dùng chỉ thứ binh khí xưa dùng trong quân đội có mũi nhọn, có móc, cũng dùng để chỉ việc chinh chiến như can qua.
- Chữ Nhất: 一 nghĩa là một, một trận can qua, một thứ binh khí, một lần dụng võ. Chữ nhất hiện diện trong chữ võ với dụng ý là hạn chế đến mức tối đa.
Theo Hứa Thận (58 – 147), người thời Đông Hán trong “Thuyết Văn Giải Tự” đã định nghĩa về chữ Võ như sau:
Võ giả, phủ (vũ) dã, chỉ qua dã. Nãi trấn vũ họa loạn, bình định họa loạn chi hậu, khôi phục nhân đạo chi căn bản. Ái vũ thống nhất địch nhân, thực vi võ chi bản nghĩa.武者,抚也,止戈也乃镇抚祸乱,平定祸乱之后恢复人道之根本.爱武统一敌人, 事为武之本义.
Tạm dịch:
Võ là vỗ về, gồm chữ chỉ và chữ qua. Dùng để trấn áp, dẹp loạn (những mầm mống, tai họa có liên can đến sự an nguy của quốc gia, dân tộc), sau khi dẹp các mối loạn thì dùng võ để khôi phục nhân đạo (ý là áp đặt chính sách cai trị, bắt mọi người phải tuân thủ các luật lệ, thiết chế của xã hội), thu phục nhân tâm. Thích võ, yêu võ ở cái chỗ là thống nhất kẻ thù (ý là chinh phạt, cảnh cáo răn đe) đấy chính là nghĩa đích thực của võ vậy.
Theo tự điển Hán Việt của Thiều Trửu: Võ đối lại với Văn. Võ tức là lấy uy, lấy sức mạnh mà hàng phục người, hàng phục đối phương.
Theo Việt Nam tự điển (Trung Bắc Tân văn, Hà Nội 1931): Võ (hay Vũ) là dùng uy lực làm cho người ta phục, trái với Văn.
Về chữ “Thuật”: Thuật có nghĩa là kỹ thuật, phương pháp, cách thức khéo léo cần phải theo để đạt được kết quả trong một lĩnh vực hoạt động nào đó.
Như vậy, chữ Thuật trong Võ thuật được hiểu là phương pháp, cách thức vận dụng chân tay (tức quyền cước), tâm thể (tinh thần, ý chí và thể lực) kết hợp với các loại binh khí như đao, thương, côn, kiếm… sao cho đạt hiệu quả cao nhất trong rèn luyện thân thể cũng như trong nghệ thuật kỹ kích.
Đối với người Trung Quốc: Môn vận động quyền đả cước thích (tức chân đá tay đấm), thì được gọi là Võ thuật.
Đối với người Việt: Võ thuật là lối đánh nhau bằng tay không hoặc có đao, thương, côn, kiếm… (Đại Từ điển Tiếng Việt, Bộ Giáo dục và Đào tạo. NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội 1998).
Đến đây, chúng ta có thể hiểu và có thể định nghĩa về Võ thuật như sau:
Võ thuật là một loại hình vận động thể dục được tạo thành bởi sự kết hợp một cách chặt chẽ giữa động tác của cơ thể con người với các loại binh khí nhằm mục đích rèn luyện thân thể, tăng cường sức mạnh và khi cần thiết có thể dùng để phòng ngự, tấn công trấn áp khuất phục đối phương.
Từ khái niệm, định nghĩa về võ thuật trên ta có thể thấy võ thuật có ba chức năng (hay đặc trưng) là:
- Rèn luyện thân thể, tăng cường sức mạnh.
- Phòng ngự.
- Tấn công trấn áp, khuất phục đối phương.
Như vậy, chúng ta khẳng định danh từ “Wushu” là một cụm danh từ gốc Hán, nó chính là hai chữ 武 “Võ” và 术“Thuật” gộp lại mà thành. Wushu 武术 là cách phát âm của người Trung Quốc khi nói đến bộ môn Võ thuật. Người Việt ta gọi Wushu là Võ thuật hay Vũ thuật (chữ võ và chữ vũ cũng cùng một chữ và có nghĩa như nhau).
Wushu thực chất chính là bộ môn Võ thuật Cổ truyền của người Trung Quốc kiểu như “Liên Đoàn Võ Thuật cổ truyền Việt Nam” của ta mà thôi. Vì sao lại nói như thế?
b. Sự ra đời của bộ môn Wushu:
Cũng cần nhắc lại: Sự ra đời của bộ môn wushu nói gì đi chăng nữa cũng phải nói có sự liên quan đến chuyện “hỏa thiêu Thiếu Lâm tự”.
Cứ theo sử sách, chùa Thiếu Lâm từ khi được dựng lên cho đến cuối đời nhà Thanh đã nhiều lần bị những nhóm lục lâm thảo khấu tấn công để cướp phá vàng bạc châu báu. Tuy nhiên lần tổn hại sau cùng lại chỉ mới cách đây có hơn 80 năm do quân đội của chính quyền Dân Quốc gây ra. Vào năm 1926, Thống chế Tưởng Giới Thạch tiến hành cuộc thống nhất Trung Hoa và tung ra cuộc hành quân “Bắc phạt” để tiêu diệt các sứ quân lúc đó chia cắt các nơi, mỗi người hùng cứ một phương. Tướng Phùng Ngọc Tường lúc này được chỉ định tấn công Hà Nam là nơi có chùa Thiếu Lâm để tiễu trừ quân phiệt Phàn Chung Tú. Khi bị phụ tá của Phùng Ngọc Tường là tướng Thạch Hữu Tam (Shi You San) bao vây, Phàn Chung Tú đã chạy vào nương náu trong chùa Thiếu Lâm và cùng với phương trượng Diệu Hưng (vốn là người quen với quân phiệt Phàn Chung Tú) điều động tăng chúng đứng ra chống trả quân đội Dân Quốc và lẽ dĩ nhiên, võ nghệ – dù là võ Thiếu Lâm – cũng không thể nào chống lại với súng đạn nên quân đội đã chiếm được chùa một cách dễ dàng. Để trả thù cho thái độ bất hợp tác của chùa, Thạch Hữu Tam đã ra lệnh hỏa thiêu Thiếu Lâm tự, lửa cháy 40 ngày mới tắt, bao nhiêu ốc vũ đền đài đều thành tro trong đó đáng kể nhất là Tàng Kinh Các, chứa rất nhiều tài liệu võ thuật vô giá bị thiêu hủy. Phương trượng Diệu Hưng tử nạn. Sau biến cố này, Thống chế Tưởng Giới Thạch đã ý thức được hành động sai lầm của quân đội và để khắc phục, ông đã thành lập “Nam Kinh Trung Ương Quốc Thuật Quán”, chiêu mộ các danh gia và quyền sư để nghiên cứu và phát huy võ Tàu dưới cái tên mới là Trung Quốc Võ Thuật. Trung Hoa thống nhất, võ thuật tuy đã được coi trọng nhưng vẫn phải chịu nhiều phen sóng gió nhất là trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa. Tuy nhiên, đến năm 1980, khi có những cải cách của Đặng Tiểu Bình thì võ thuật lúc này mới thực sự được khôi phục, thực sự được coi trọng và phát triển ra thế giới bên ngoài.
Trở lại vấn đề, từ ngày 8 đến ngày 12 tháng 8 năm 1953, tại thành phố Thiên Tân (Trung Quốc) đã diễn ra Đại hội Võ thuật (Wushu) lần thứ nhất bao gồm Tây Nam khu, Tây Bắc khu, Hoa Đông khu, Thiết lộ khu… có 154 nam nữ vận động viên, biểu diễn 322 tiết mục. Về võ thuật bao gồm có Thiếu Lâm quyền 少林拳, Võ Đang quyền 武当拳, Bát Quái chưởng 八 怪拳, Thông Tý quyền 通臂拳, Thái Cực quyền 太极拳, Đường Lang quyền 螳螂拳… tất cả gồm 139 loại (theo Võ Thuật Đại Toàn/Bắc Kinh Thể dục Học viện xuất bản xã 1990). Và đến nay, wushu không những phát triển một cách mạnh mẽ trong nội địa Trung Quốc mà còn khiến cho cả thế giới phải đua nhau…học.
Nhìn vào nội dung thi đấu trong đại hội Wushu lần thứ nhất ta thấy đâu phải là chỉ có võ Thiếu Lâm mà còn có những môn như Đường Lang quyền, Bát Quái Chưởng, Thái Cực quyền, Võ Đang quyền… là những môn phái thuộc Nội gia quyền (do người Trung Quốc sáng lập).
Ngày nay, khi xem thi đấu, biểu diễn môn Wushu chúng ta thường thấy có hai nội dung chính là Ngoại gia quyền (đại diện là Nam quyền, Trường quyền) và Nội gia quyền (đại diện là Thái cực quyền, Thái cực kiếm).
- Về Ngoại gia quyền 外家拳 (hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng), đây là môn võ được cho là do tổ sư Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) người Ấn Độ truyền vào Trung Quốc. Theo sử chép, sư tổ Đạt Ma đến Trung Quốc theo lời mời của Lương Võ Đế vào năm 527. nhà sư vào triều nói chuyện nhưng không hợp ý nhà vua nên đành lui về tu luyện tại chùa Thiếu lâm. Tương truyền khi tu luyện tại chùa, do thấy các tăng sư trong chùa người nào cũng vàng vọt, ốm yếu nên ngài đã truyền dạy Dịch Cân Kinh và Tẩy Tủy Kinh (hai bộ sách dùng để tu luyện: Dịch Cân Kinh chủ về vận động gân cốt tăng sức khỏe, Tẩy Tủy Kinh là khai mở trí huệ Bát nhã trong Phật). Về sau, theo các tài liệu thì Tổ đã quay mặt vào vách núi “Diện bích nhập thiền” tu luyện suốt 9 năm và viên tịch vào năm 537 (chùa Thiếu Lâm được xây dựng vào năm Thái Hòa thứ 20 ‘năm 496’ theo lệnh của Hiếu Văn Đế nhà Bắc Ngụy làm nơi tu luyện cho vị cao tăng người Ấn có tên là Bạt Đà. Chùa được xây tại dãy Tung Sơn, núi Thiếu Thất thuộc huyện Đăng Phong, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc).
Ngoại Gia quyền không những là môn phái do người nước ngoài truyền vào mà về mặt hình thức đây là môn kungfu rất chú trọng luyện về sức lực và ta có thể dễ dàng nhận thấy nó toát ra ngoài qua sự săn chắc của cơ bắp, sự chai sạn của chân tay… Ngoại tức bên ngoài là vậy.
Trong biểu diễn Wushu ngày nay, ta thấy có Nam Quyền 南 拳 (Nam Thiếu Lâm 南少林) với các nội dung như Nam quyền 南 拳, Nam đao 南刀, Nam côn 南棍… và Trường Quyền 长拳 (Bắc Thiếu Lâm 北少林) cùng các bài tổng hợp như đao thuật 刀术, thương thuật 枪术, kiếm thuật 剑术, côn thuật 棍术 (tổng hợp tất cả kỹ thuật của Nam Bắc Thiếu Lâm).
- Nội gia quyền 内家拳, đây là môn võ do người Trung Quốc sáng lập, tiêu biểu có Võ Đang quyền 武当拳 và Thái Cực quyền 太极拳 (tương truyền Võ Đang quyền do Đạo sĩ Trương Tam Phong 张三风[1]; Thái cực quyền do Trần Vương Đình 陈王廷 [2]).
Thái cực Quyền, Võ Đang quyền không những là hàng nội chính hiệu theo đúng nghĩa Nội gia mà nó còn chú trọng trong việc luyện cho bên trong thật sự vững chắc “Nội ổn cố, ngoại an thư” tức là vững từ trong vững ra chứ không coi trọng về hình thức như Ngoại gia là vậy.
Tóm lại, Wushu là danh từ chỉ võ thuật nói chung cũng như võ Cổ truyền Việt Nam (Võ Cổ truyền Việt Nam cũng có cả võ do người trong nước sáng tạo và có cả võ do người nước ngoài sáng tạo, chẳng hạn như trong Liên đoàn võ thuật Cổ truyền Việt Nam có sự tham gia của võ phái Thiếu Lâm Triều Châu, Thiếu Lâm Nững sị [những môn võ của người TQ], miễn là các môn võ [ngoại nhập] đó tuân thủ chặt chẽ Pháp luật Việt Nam và tuân thủ các qui định của Liên Đoàn Võ thuật Việt Nam), thế thôi.
Nội hàm Wushu rộng lớn, nó chỉ toàn bộ hoạt động liên quan đến Võ thuật nói chung chứ không phải là một môn võ cụ thể nào. Như vậy, phải hiểu Karatedo cũng là Wushu, Bình Định Sa Long Cương cũng là Wushu, Teakwondo, Thái Cực Quyền, Bát Quái chưởng … cũng là Wushu.
Vấn đề còn lại là tại sao người Trung Quốc họ không gọi nó (Võ thuật) là Trung Quốc Võ Thuật 中国武术 (Zhongguo Wushu), đây là vấn đề hết sức tế nhị và là vấn đề hoàn toàn có tính "chiến lược". Trung Quốc không gọi như thế là họ có tính toán chứ không phải giản đơn như nhiều người thường nghĩ. Lý do ư? Nếu gọi là Zhongguo Wushu liệu người Nhật, người Hàn, người Mỹ có học không? Những nước đó, họ có khối môn để học (nên nhớ, dân họ không dễ dãi như người Việt ta). Võ Nhật, võ của người Hàn đâu phải là tầm thường? Họ tự hào về các môn võ của dân tộc họ, hà cớ gì họ lại phải học võ của người Trung Quốc? Còn nhớ, người Nhật vào những thập niên đầu của thế kỷ 20 còn gọi người Trung Quốc là “Đông Á bệnh Phu”(东亚病夫)…! Rõ ràng ta thấy người Nhật (các nước khác cũng vậy thôi, trừ người Việt ta, vì dân ta thường có tâm lý sính ngoại) chắc chắn sẽ không học Zhongguo Wushu nhưng nếu chỉ đơn thuần là Wushu (Võ thuật) thì ai cũng có quyền học, vì "Võ thuật" là tài sản chung của nhân loại chứ không của riêng ai, của bất cứ quốc gia nào sáng tạo… Thế đấy!
Người Trung Quốc cho rằng anh không học võ thuật của Trung Quốc cũng không sao, miễn anh chấp nhận học Wushu là được. Mà một khi anh đã học Wushu thì có nghĩa là anh đang học võ của người Trung Quốc, mà đã học "võ của người Trung Quốc" thì phải "tìm hiều về Trung Quốc", về "văn hóa Trung Quốc", về cội nguồn của nó. Sự tính toán của người Trung Quốc là như vậy.
Trung Quốc muốn thông qua Võ thuật để nâng cao "hình ảnh và vị thế của đất nước". Thông qua võ thuật để "truyền bá văn hóa", để "phát triển kinh tế du lịch"... Ai học Wushu mà lại không biết đến chùa Thiếu Lâm, không muốn đến để thăm núi Võ Đương sơn, thăm đất nước Trung Quốc (thánh địa của Võ thuật) một lần? Đến đây ta có thể hiểu tại sao người Trung Quốc không thêm hai chữ zhongguo vào trước cụm từ Wushu.
Võ Nhật, võ Đại Hàn thì thế nào nhỉ? Không biết họ có chủ trương chiến lược phát triển như thế nào, chỉ biết cả thế giới hiện đang đua nhau học.
Đó là chuyện của người, chuyện của thiên hạ. Chuyện mình thì sao?... Nghĩ đến võ Việt thì lại mới thấy buồn, mới thấy tủi?
2. Buồn với võ Việt.
Võ thuật Việt Nam 越南武术 hay Võ thuật Cổ truyền Việt Nam là di sản vô cùng quí báu của dân tộc. Thông qua các chiêu thức trong Võ thuật Cổ truyền, ta có thể thấy rõ nét nhất những tinh hoa văn hóa vô cùng phong phú, độc đáo và đậm đà bản sắc của dân tộc Việt. Cũng thông qua võ thuật, những giá trị đạo đức truyền thống vô cùng cao đẹp và đầy tính nhân văn như nhân, nghĩa, lễ, trí, tín của dân tộc được thể hiện một cách trung thực và rất sống động.
Võ thuật Cổ truyền Việt Nam được hình thành từ những giá trị văn hoá truyền thống mấy ngàn năm của dân tộc, từ nền Y học Cổ truyền, từ binh pháp (những kinh nghiệm thực tế được đúc kết trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước)...
Thế nhưng, trong khi các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn quốc... đặc biệt quan tâm và chú trọng đến sự phát triển Võ thuật thì đối với ta, một dân tộc luôn tự hào có mấy ngàn năm văn hiến, tự hào về truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất, về những võ công hiển hách lại rất thờ ơ với môn Võ thuật truyền thống của mình. Không những thế, nhiều người còn có cách nhìn nhận chưa đúng về bộ môn “Võ thuật” (Wushu) và từ đấy có những cách đánh giá không xác đáng về nó, chưa thật sự quan tâm đúng mức đến sự phát triển của Võ thuật nước nhà.
Võ Việt (gọi theo cách của người Trung Quốc là Yuenan Wushu 越南武术 [Việt Nam Võ thuật]) bây giờ sao trông thấy lẻ loi, cô đơn đến thế? Võ Việt hiện bị bao vây tứ bề bởi hàng loạt các võ phái nước ngoài (kiểu như lũ bao vây miền Trung), nên trông nó xơ xác như luống hẹ sau trận mưa rào (các CLB võ Cổ truyền thường vắng bóng người tập, có chăng chỉ lèo tèo vài em nhỏ), trong khi võ “ngoại nhập” lại như “Bách hoa tề phóng”. Từ trong nhà ra ngoài hẻm, từ trường tiểu học cho đến nơi sinh hoạt tổ dân phố, từ đội Dân phòng cho đến các lực lượng võ trang như Quân Đội, Công an, đâu đâu cũng thấy đua nhau dạy và học các môn võ ngoại nhập. Môn “Nội gia quyền” của Việt Nam đang ngày càng hom hem ốm yếu! Đang có nguy cơ tụt hậu. “Việt Nam Võ thuật” (Yuenan Wushu) xưa, từng là môn võ khiến cho cả thế giới phải ngỡ ngàng và cúi đầu thán phục. Một kungfu lừng lẫy khi dám ngang nhiên chiến đấu chống lại tất cả các thế lực ngoại xâm và dù cho các thế lực đó có mạnh bạo đến đâu (kiểu như Thành Cát Tư Hãn từng khiến cho cả Châu Âu phải kinh hồn táng đởm; kiểu như đế quốc Pháp; Sen đầm quốc tế cỡ như đế quốc Mỹ) cũng phải cúi đầu “Tâm phục khẩu phục” trước ý chí ngoan cường và “võ công hiển hách” của dân tộc Việt. Thế mà!… giờ đây, môn võ công “một thời oanh liệt” ấy đang ngày càng bị lãng quên trước sự thờ ơ của tất cả mọi người!
Buồn thay! Thương thay!
Võ sư Thiều Ngọc Sơn_Shaojia Zhuangzhu
[1] Theo "Minh sử, Phương kỹ truyện" ghi: Trương Tam Phong, người đất Ý Châu, Liêu Đông, tên là Toàn Nhất, tự là Quân Bảo, hiệu là Tam Phong. Ông thân hình cao lớn, tướng như rùa, lưng như hạc, mắt tròn tai to, râu cứng như kích. Ông ăn mỗi lần cả thùng gạo nhưng có khi mấy ngày mới ăn một lần, có khi mấy tháng không ăn sách chỉ đọc qua là nhớ. Lúc đầu ông tu tại Kim Đài Quan, núi Bảo Kê, sau qua Thục rồi qua Sở. Đầu đời Minh, ông lên tu trên núi Võ Đang, tiếng tăm rất lớn, ảnh hưởng cả trong triều ngoại nội. Ông ngao du không biết đâu mà kể, một ngày đi cả ngàn rặm. Khi ông đến núi Võ Đang, nói với người ta rằng: Núi này về sau ắt sẽ hưng thịnh. Vào thời binh lửa, các núi Ngũ long, Nam Nhan, Tiêu Tử đều bị phá hủy, ông cùng đồ đệ phải sống trong bụi cây gai góc. Cứ theo dật sử thì Trương Tam Phong sống hơn 120 tuổi.
Năm Vĩnh Lạc thứ 15 (1417). Minh Thành Tổ lại sai Công bộ thị lang Quách Tấn, Long Bình Hầu Trương Tín, đôn đốc trên ba mươi vạn phu phen, phí tổn hàng trăm vạn quan tiền để xây đạo quán trên núi Võ Đang, cả thảy 290 gian đặt tên là "Ngộ chân cung", lại ban cho núi này là Thái Hòa Thái Nhạc sơn. Tất cả mất 13 năm mới xong, bao gốm 8 cung, 2 miếu, 36 đạo quán, 72 sơn miếu và hàng trăm cầu, cổng vòm, lương đình, am... Núi Võ Đang trở thành một trong những thánh địa của đạo giáo. Hiện nay vẫn còn tượng của Trương Tam Phong bằng đồng mạ vàng, thần thái tiêu dao, đầu đội nón lá, chân đi giày cỏ.
Cứ theo sử sách, Trương Tam Phong là một đạo sĩ giỏi võ thuật. Sách "Đạo thống nguyên lưu" chép: ông "hiếu đạo thiện kiếm" (thích học đạo, giỏi đánh kiếm).
[2] Trần Vương Đình (tốt sinh bất thức), sống vào cuối đời Minh, đầu đời nhà Thanh, Trung Quốc. Người đất Ôn huyện, tỉnh Hà Nam, ông cha đời đời làm quan. Ông từng giữ chức Tuần phủ, Án sát tỉnh Sơn Đông, Trực Lệ (Hà Bắc), Tuần phủ Liêu Đông, từng kiêm chức giám quân. Khi nhà Minh mất, ông ẩn cư. Ông đem các sở học của nhiều môn phái phối hợp và lấy "Quyền kinh" của Thích Kế Quang làm bản gốc, rút ra 29 thức từ bài 32 thức trong Quyền kinh và cải tạo thành một bài quyền riêng truyền lại cho con cháu. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng TCQ hay "Nội gia quyền" có từ trước cả Trương Tam Phong và Trần Vương Đình.