Võ Thuật
Thái cực quyền chính tông
Thái cực quyền chính tông hiểu một cách nôm na như tiếng Việt ta tức là Thái cực quyền nguyên bản, chính gốc, không bị lai tạp.
Vậy Thái cực quyền do ai sáng tạo và thế nào mới là Thái cực quyền "chính tông"?.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đều thống nhất và cho rằng TCQ xuất hiện từ rất lâu đời. Trải qua bao thăng trầm, biến thiên của xã hội, TCQ đã được người xưa tu bổ và không ngừng ngày càng hoàn thiện, từ đời này sang đời khác và truyền mãi đến ngày nay. TCQ là thành quả sáng tạo của nhiều người, nhiều đời để lại chứ không phải của riêng một ai.
CÙNG NHAU ĐÓNG GÓP XÂY DỰNG BỘ MÔN TCQ
Cùng nhau đóng góp, xây dựng bộ môn Thái cực quyền
TCQ là một môn võ thuật, ngoài khả năng chiến đấu tự vệ, TCQ còn là một trong những phương pháp tập luyện Khí công rất hữu hiệu, nhằm mục đích "cường thân tráng cốt, ích thọ diên niên" rất được ưa chuộng tại Trung Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới.
TCQ du nhập vào Việt Nam rất muộn (dù ta là một quốc gia láng riềng nằm sát nách và có đến 1463km đường biên giới chung với TQ). Xin không bàn về lý do “Vì sao lại thế???”, chỉ biết rằng TCQ được được du nhập vào Việt Nam chính là do công của Võ sư Triệu Trúc Khê (1900-1991). Theo "TC Đường lang môn Triệu Trúc Khê Tông sư kỷ niệm tập", năm 1945, Triệu sư phụ từ Hải phòng vào Sài gòn thành lập Quốc thuật nghiên cứu xã, về sau Triệu sư phụ được mời làm Tổng giáo huấn luyện võ thuật cho Tinh võ thể dục hội Sài Gòn. Lúc đầu thầy chỉ dạy TCQ Triệu gia (Thầy là người sáng tác mấy bài quyền của Triệu gia như Thái cực trường Quyền, Thái cực chưởng triệu gia, Thái cực đao..., người viết bài từng được cố Võ sư Diệp Quốc Lương truyền thụ toàn bộ hệ thống quyền thuật của phái Thái cực Triệu gia) cho các môn đồ người Hoa tại khu vực Chợ lớn (nên biết, lúc đó dân ta còn quá nghèo nên cũng không mấy ai đi học môn này), mãi sau mới truyền ra ngoài.
Đầu thập kỷ 90, khi nhà nước ta nối lại quan hệ ngoại giao với Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa thì TCQ mới có điều kiện phát triển. Trước đó, tại khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn, nhất là những nơi có người Hoa sinh sống, TCQ đã được biết đến nhưng lúc bấy giờ chỉ có một số bài của võ phái Thái cực Triệu gia, bài thái cực giản hóa 24 thức, bài 88 nhưng hầu như đều đi theo lối thái cực Đường lang nên rất xấu, trông như con bọ ngựa chứ không đẹp, mềm mại uyển chuyển như bây giờ. Mãi đến năm 1992 khi TP.HCM mời HLV Trần Húc Hồng sang làm HLV cho đội tuyển wushu (lấy lớp Hồng gia tại CLB Hồ Xuân Hương và lớp TCQ của thầy Diệp Quốc Lương. ở TTTDTT quận 3 làm nòng cốt để huấn luyện) thì bấy giờ ta mới biết thêm bài 42 thức Thái cực quyền, 42 thức Thái cực kiếm...
Thái cực quyền tuy là một môn kungfu thuộc Nội gia quyền rất nổi tiếng của quốc gia láng giềng Trung Quốc, nhưng trên thực tế thì chúng ta cũng chỉ mới nghe và biết đến nó trong khoảng mươi năm gần đây mà thôi và cũng chỉ có ở Sài Gòn, chứ mấy tỉnh Bắc - Trung - Nam bộ thì cho đến giờ nhiều người vẫn còn mù tịt, không biết nó là môn gì(!?).
Thường xuyên tập luyện TCQ không những giúp chúng ta phòng chống và chữa trị một các hiệu quả các bệnh như tim mạch, huyết áp, tiểu đường, thần kinh toạ, khớp, viêm gai đốt sống, các bệnh nghề nghiệp như setress, cận thị, viêm teo cơ mắt... không những thế, TCQ còn đem đến cho bạn một sức trẻ, sức khỏe, sức dẻo dai giúp chúng ta quên bớt nỗi nhọc nhằn, những hờn tủi phải gánh chịu trong đời. Học TCQ sẽ giúp bạn bình tâm hơn, vững bước hơn để tiếp tục hoàn thành sứ mệnh của mình .
TCQ được CHNDTH coi như là báu vật, là quốc hồn quốc túy, là di sản Văn Hóa, là niềm tự hào của người Trung Quốc nói riêng và người Á Đông chúng ta nói chung. Hãy cùng nhau đóng góp và xây dựng bộ môn TCQ ngày càng phát triển./.
Trích lại bài viết của Võ Sư Thiều Ngọc Sơn đăng trên Website của Trần gia TCQ.