Home
Minh Chủ Quý Sĩ
Tề Tuyên Vương cho gọi Nhan Xúc - ẩn sĩ của nước Tề - đến. Lệnh rằng:
- Xúc, đến trước mặt ta!
Nhan Xúc cũng nói:
- Vua, đến trước mặt ta!
Tề Tuyên Vương không vui, tả hữu cảnh cáo Nhan Xúc rằng:

- Vua là người cao quí, Xúc là kẻ bề tôi. Vua bảo “Xúc, lại đây!”. Xúc cũng bảo “Vua, lại đây!” như vậy có được không?
Nhan Xúc đáp:
- Nên biết, nếu Xúc làm theo lệnh vua là Xúc tham mê quyền thế, còn vua làm theo lời Xúc là vua chuộng kẻ hiền sĩ. Để Xúc mang tiếng tham mê quyền thế đâu bằng để vua được tiếng chuộng hiền sĩ.
Tể Tuyên Vương giận run người, hỏi rằng:
- Vua cao quí hay kẻ sĩ cao quí?
- Kẻ sĩ cao quí, vua đâu có cao quí- Nhan Xúc đáp.
Tề Tuyên Vương hỏi:
- Có nguyên cớ chi không?
Nhan Xúc đáp:
- Có chứ! Trước kia nước Tần đánh nước tề, viên tướng của Tần ra lệnh: “Ai dám đốn củi trong phạm vi năm mươi bước chung quanh mộ của Liễu Hạ Huệ[1], sẽ bị tội chết!”. Lại có lệnh: “Ai chặt được đầu vua Tề thì được phong tước hầu vạn hộ, thưởng vàng ngàn lạng”. Như thế thấy rằng, cái đầu của ông vua sống có khi không bằng nấm mồ của kẻ sĩ đã chết.
Tề Tuyên Vương làm thinh, trong lòng rất không vui. Khi ấy, tôi thần tả hữu đều nói:
- Nhan lại đây! Nhan lại đây! Đại vương nắm trong tay một đất nước to lớn có hàng ngàn cỗ chiến xa, đúc những cái chuông lớn nặng hàng ngàn thạch và làm ra những cái giá treo đại chung nặng hàng vạn thạch[2]. Kẻ sĩ trong thiên hạ, bất luận là nhân giả hay trí giả đều đến phụng sự đại vương; người hùng biện, thông thái đều đến hiến kế; người ở bốn phương tám hướng không ai không đến nghe theo mệnh lệnh. Đại vương muốn có thứ gì đều có thứ ấy, muôn dân đều nể phục. Kẻ sĩ cao quí nhất bây giờ cũng chỉ làm người hèn kém sống tồi tệ thôn quê; kẻ sĩ hạng thấp thì càng ở nơi góc xó hoang vắng nghèo nàn, có người chỉ làm công việc gác cửa cho người nhà quê mà thôi. Làm kẻ sĩ thật quá ti tiện!
Nhan Xúc nói:
- Không phải vậy. Nghe nói vào đời xưa, Đại vũ có một vạn nước chư hầu. Vì sao nhiều như thế? Vì đã thi hành được phép tắc hợp đạo đức, biết quý trọng kẻ sĩ! Cho nên Thuấn xuất thân từ nơi thôn quê hoang vắng nghèo nàn mà làm đến thiên tử. Đến thời Thang, các nước chư hầu chỉ còn ba ngàn và bây giờ xưng vương ở trời nam này chỉ còn hai mươi bốn nước mà thôi! Từ đó mà xét, chẳng phải vì không biết quý trọng kẻ sĩ mới để họ lần lượt bị tiêu diệt hết đấy ư? Đợi đến khi bị diệt vong, không còn lớp con cháu nối dõi nữa thì có muốn gác cửa cho dân quê, liệu có làm được không? Dịch truyện có câu: “Ngồi ở trên cao mà không làm được cái gì cụ thể thiết thực, chỉ thích cái nhãn hiệu hư danh thì thế nào cũng dẫn đến những hành vi ngạo mạn, kiêu sa; mà đã có hành vi ngạo mạn kiêu sa thì cái nguy hại cũng theo đến sau”. Thế cho nên không làm được cái gì cụ thể thiết thực mà chỉ lo ca tụng hư danh thì đất đai ngày càng bị thu hẹp; không lo làm tròn công việc mà muốn hưởng sung sướng thì cuộc sống sẽ ngày càng khốn cùng; không có công lao mà đòi được hưởng bổng lộc địa vị thì con người bị nhục nhã. Như vậy, tai họa, hoạn nạn sẽ theo đó mà đến. Cho nên có câu: “Lòng mong muốn thành đạt không trong sáng thì không tạo được công và không lập được nghiệp; chỉ có mong muốn hão huyền mà không chịu làm thì không cách gì thực hiện được nguyện vọng”. Đó là loại người chỉ thích khoe khoang cái hư danh, cái vẻ bề ngoài, không chịu làm thật sự một việc tốt nào. Vì vậy mà vua Nghiêu trị vì thiên hạ phải cần đến chín kẻ sĩ phụ tá và vua Thuấn trị vì thiên hạ phải kết giao với bảy kẻ sĩ làm bạn. Vua Vũ trị vì thiên hạ đã phải cất nhắc năm vị nhân sĩ giúp việc, vua Thang trị vì thiên hạ cũng phải dẫn dắt ba kẻ sĩ làm trợ thủ. Từ xưa đến nay không có ai chỉ thích hư danh mà trị vì được thiên hạ. Vì vậy bậc hiền vương không có gì phải hổ thẹn khi học hỏi người khác, không xấu hổ vì phải học ở kẻ dưới quyền. Nhờ đó mà vua Nghiêu, Thuấn, Thang, Chu Văn Vương dựng nên đức nghiệp, khiến cho công danh truyền lại mãi đời sau. Cho nên nói: “Vô hình là chủ tể của hữu hình, trước khi sảy ra cái gốc của sự việc là cuội nguốn của sau khi đã sảy ra sự việc”. Trên đã nhớ lại được nguồn gốc, dưới thông hiểu được dòng thay đổi, làm một người tài giỏi sáng suốt, hiểu rõ cặn kẽ đạo lý tiến hóa của sự vật thì làm gì có chuyện sảy ra việc chẳng lành? Lão Tử nói: “Tuy là sang nhưng phải lấy hèn làm gốc, tuy là cao nhưng phải lấy thấp làm nền. Vì thế nên bậc vương hầu tự xưng là “cô”, “quả” đó là vì họ hiểu được nguyên do tuy cao sang nhưng phải lấy thấp hèn làm gốc đó!”. Nói đến cách tự xưng “cô”, “quả” … vốn là chỉ địa vị thấp hèn nhất trong xã hội, thế mà các bậc vương hầu cao quí lại tự xưng mình như vậy, há chẳng là họ tự hạ mình mà tôn kính kẻ sĩ đó sao? Nên biết là vua Nghiêu chịu truyền giao thiên hạ lại cho vua Thuấn, vua Thuấn chịu truyền giao thiên hạ lại cho vua Vũ, Chu thành Vương chịu dụng Chu Công Đán, khiến đời sau luôn coi họ là minh chủ, chính là vì họ hiểu rõ kẻ sĩ đáng quí trọng!
Tề Tuyên Vương nói:
- Ôi! Người quân tử đâu có thể làm nhục họ được! Ta đã tự làm một việc không vui! Nay nghe qua lời của bậc quân tử mới biết không tôn trọng kẻ sĩ vốn là lối cư xử của kẻ tiểu nhân. Ta muốn xin ngươi nhận ta làm học trò. Nếu Nhan tiên sinh kết giao với ta thì bữa ăn nhất định sẽ có thịt, đi chơi sẽ có xe, vợ con sẽ có quần áo đẹp không ai sánh kịp.
![]() |
|
Ôi...! Người quân tử đâu có thể làm nhục!
Nhan Xúc nghe vua Tề nói xong, liến từ tạ, nói:
- Ngọc vốn sinh ở trong núi, người thợ gõ khẽ để lấy ra sẽ làm cho ngọc bị vỡ. Như vậy, giá trị của ngọc không phải là không quý, nhưng không còn giữ được cái vẻ chất phác tự nhiên vốn có của nó nữa. Kẽ sĩ cũng giống như vậy, họ vốn sinh ra nơi thôn xóm hẻo lánh nghèo nàn, nhờ đức vua bổ dụng làm quan mà có địa vị bổng lộc. Như vậy, địa vị của kẻ sĩ không phải không đáng tôn sùng, nhưng không còn giữ được cái hình ảnh tinh thần vốn có của nó nữa. Nhan Xúc thà được về nơi thôn dã, chịu khó ăn cơm muộn để đói bụng ăn món ăn dở cũng hóa thành ngon như thịt; an nhàn thảnh thơi đi dạo bộ cũng thoải mái dễ chịu như đi xe; tuy không có địa vị bổng lộc, song không dễ gì bị mắc tội, và như vậy cũng coi như giàu có rồi; giữ chọn tiết tháo đúng đắn, trong sạch và tìm thấy niềm vui ở đó. Người bảo thần nói là đại vương, người trung thực và nói thẳng là Xúc. Lẽ phải thiết yếu mà thần muốn nói đều đã nói hết rồi. Xin đại vương cho phép để thần được đi về cái ngôi nhà nhỏ nơi heo hút của mình!
Nhan Xúc lạy hai lạy rồi cáo từ đi ra./.
Theo “Chiến Quốc Sách”. Shaolaojia sưu tầm.