Home
BẤT NHÂN
Sách Liệt Tử, trong phần nói về “sinh tử và số mệnh” có ghi lại một chuyện như sau:
Vua Tề Cảnh Công đi chơi núi Ngưu Sơn, khi tới phía bắc quốc đô thì ứa lệ, than thở:
- Đẹp thay nước ta! Cây cỏ tươi tốt, sum sê, dầm dề sương mai kìa! Rồi đây ta phải chết mà bỏ nước này ư? Nếu tự cổ không ai chết thì ta cũng quyết không bỏ nước này mà đi nơi khác.
Sử quan họ Khổng và Lương Khâu Cứ theo sau hầu nghe vậy đều nhỏ lệ, tâu:
- Bọn hạ thần đội ơn Đại Vương mà ăn rau và thịt, thường vẫn được ngồi xe xấu ngựa còm mà còn không muốn chết, huống hồ Đại Vương.

Duy có Án Tử đứng bên là cười. Cảnh Công chùi nước mắt, quay lại hỏi Án Tử:
- Hôm nay quả nhân đi chơi mà xúc cảm sinh buồn, Khổng và cứ đều khóc theo quả nhân, riêng ông lại cười là ý làm sao?
![]() |
![]() |
Tề Cảnh Công Xuất thành du sơn
Án Tử đáp:
- Nếu các bậc hiền tài cứ sống hoài thì các đức của Thái Công và Hoàn Công còn sống đến ngày nay. Nếu những người dũng cảm mà còn sống hoài thì các đức Trang Công, Linh Công [1] còn sống đến ngày nay. Nếu tất cả các vị đó còn sống đến ngày nay thì nhà vua tất bận áo tơi, đội nón lá mà đứng ở giữa đồng, lo việc ruông nương chứ đâu được nhàn hạ mà nghĩ tới chết như vậy? Nhà vua đâu được lên ngôi như vậy? Nhờ cái lẽ thay phiên nhau kẻ ở người đi, nên ngôi vua đó mới tới Đại Vương. Đại Vương chỉ vì vậy mà khóc thì quả là bất nhân quá! Thần nhân thấy một ông vua bất nhân, lại thêm những kẻ bề tôi nịnh hót, nên mới cười vậy.
|
![]() |
Tề Cảnh Công và Án Tử.
Tề Cảnh Công xấu hổ, nâng chén rượu lên uống để tự phạt mình, rồi phạt hai người bề tôi kia mỗi người hai chén.
Theo “Liệt Tử-Dương Tử” (Tề Cảnh Công du ư Ngưu Sơn truyện).