Chuyện Làng Võ
Những Điều ít biết
VỀ TẤM BIA TRÊN MỘ TẢ QUÂN LÊ VĂN DUYỆT
Tại thành phố Hồ Chí Minh, nếu bạn hỏi thăm đường đến mộ của Tả quân Lê Văn Duyệt thì cam đoan có khối người không biết. Nhưng nếu bạn hỏi đường đến Lăng Ông thì đảm bảo từ người bán tàu hủ bên vỉa hè cho đến các thiếu nữ đang độ tuổi teen, không ai là không rành rẽ. “Lăng Ông” hay mộ của Tả quân, nằm ngay góc ngã ba Phan Đăng Lưu và Đinh Tiên Hoàng gần khu vực chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), là chốn linh thiêng, nơi mà người dân thành phố xem ngài như đấng thần linh và thường đến để cầu xin được chở che, phù hộ độ trì, tai qua nạn khỏi trong cuộc mưu sinh, thậm chí cả chuyện thi cử thường ngày.
Thế nhưng rất ít người biết gần hai trăm năm trước, tại đây đã từng tồn tại một tấm bia khắc tám chữ tàu hằn sâu trong đá và một câu chuyện bi hùng có liên quan đến người nằm dưới mộ. Đây là một vụ hình án có một không hai trong lịch sử các triều đại Phong kiến Việt Nam.
Chân dung và tượng của Tả Quân Lê Văn Duyệt (左军黎文悦)
Người nằm dưới mộ là Tả quân Lê Văn Duyệt (1763 – 1832). Sử chép, tổ tiên Tả quân vốn người Vĩnh Phúc, về sau dời vào huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi), sau đó lại chuyển vào cư trú tại Mỹ Tho, vùng Rạch Gầm (nay là xã Long Hưng, tỉnh Tiền Giang). Lê Văn Duyệt, theo sử cũ mô tả vốn là ái nam ái nữ. Tuy ông thấp bé nhưng sức mạnh hơn người, tinh thông võ nghệ. Năm 17 tuổi theo phò chúa Nguyễn Phúc Ánh, lập nhiều chiến công đặc biệt là trận thắng Tây Sơn bằng hỏa công ở cửa Thị Nại ngày 19 tháng giêng năm Tân Dậu (tức năm 1800, có sách ví trận quân Nguyễn Ánh dùng hỏa công đốt thuyền của Tây sơn này như trận Xích Bích thời Tam Quốc), trận Phú Xuân (1801). Vì có biệt tài dụng binh lại gan dạ, nên ông rất được Nguyễn Phúc Ánh tin dùng. Năm 1802, ông cùng Lê Chất thu phục Bắc Hà rồi về kinh lược vùng Thanh – Nghệ. Từ năm 1813, ông làm Tổng trấn thành Gia Định.
Cửa vào lăng Ông và khu mộ của Tả Quân
Xuất thân từ quan Thái giám nhưng Lê Văn Duyệt lại trở thành một võ quan xuất chúng, là trụ cột của triều đình (Đại thần thờ hai vị vua đầu triều nguyễn). Không những có tài dụng binh, Lê Văn Duyệt còn là một nhà chính trị, nhà ngoại giao khéo léo khi quan hệ cùng với các nước láng giềng để giữ yên bờ cõi. Tính ông thẳng thắn, cương trực, từng xử trảm tham quan Huỳnh Công Lý (là nhạc phụ của vua Minh Mạng). Lê Văn Duyệt có nhiều công lao trong việc khôi phục cơ đồ nhà Nguyễn, trấn giữ phiên bang, mở mang bờ cõi, xây đắp đồn điền, thực hiện nhiều chính sách an dân. Tuy giữ nhiều trọng trách và được Triều đình coi trọng nhưng khi đã nhắm mắt xuôi tay, Lê Văn Duyệt vẫn phải chịu một án hình có một không hai trong lịch sử.
Sử chép lại rằng, sau khi Lê Văn Duyệt chết (ông mất ngày 30 – 7 – 1832), thì tháng 5 năm Minh Mạng thứ 14 (1833), con là Lê Văn Khôi (tên thật là Nguyễn Hữu Khôi, nguyên là trọng phạm của triều đình chịu án trảm. Tả quân vì mến tài nên thu phục và nhận làm dưỡng tử) cùng với Nguyễn Văn Bột, Thái Công Triều, Lê Đắc Lực… tạo phản ở thành Phiên An (Gia Định) chống lại triều đình (Khôi giết quốc trượng Bạch Xuân Nghiêm bằng cách tẩm dầu đốt tế trước mộ Lê Văn Duyệt). Hai năm sau (tháng 7 năm 1835), cuộc binh biến đã được triều đình dập tắt. Tuy đã chết và không hề can dự nhưng do hiềm khích, Lê Văn Duyệt vẫn bị quần thần dâng cáo trạng đề nghị Minh Mạng xử như một trọng phạm đứng đầu cuộc nổi loạn với: 7 tội đáng chém, 2 tội treo cổ và nhiều hình phạt khác. Sách “Đại Nam chính biên liệt truyện” chép bản cáo trạng và trong 7 tội đáng chém của Tả quân Lê Văn Duyệt có:
Thánh chỉ tới...
- Xin giết thị vệ là Trần Văn Tình để khóa miệng người.
- Chứa riêng khống chỉ có đóng sẵn ấn của vua.
- Cậy bè đảng mà xin tăng thọ cho Lê Chất.
- Gọi mồ của cha mình là Lăng. Khi nói chuyện với mọi người tự xưng là “Cô”…
Hai tội treo cổ là:
- Cố xin nạp người Miến Điện để làm chuyện bất minh.
- Dám nói với mọi người rằng mình từng xin được thơ tiên.
Ngoài ra trong bản “hoặc tội” Lê Văn Duyệt còn đề xuất:
- Xử tội bắt đi làm lính vì đã tự tiện sai quân lính đi đóng thuyền cho mình.
- Xử tội đem đi tùng xẻo cho chết bởi Duyệt là kẻ đầu sỏ, là cuội nguồn của cuộc biến loạn ở Phiên An. Nhưng vì hắn đã bị Diêm Vương bắt đi rồi (ý nói đã chết) nên thu hết bằng sắc và đảo mả, lấy quan tài ra chém xác để làm gương răn đời. Tất cả các sắc phong cho ông bà tổ tiên hắn đều phải thu lại. Mồ mả tổ tiên hắn, nếu có tiếm xây trái phép đều phải đập phá đi…
Cáo trạng dâng lên, Minh Mạng dụ rằng: “Như vậy là lẽ trời không sai, đạo chung ở người, thật khó mà che được. Kẻ quen gieo ác, thiên hạ cùng giận, muôn lời cùng dâng về đây. Tất cả cùng một ý, tỏ rằng án này đúng mãi với muôn đời. Tội ác của Lê Văn Duyệt nhiều còn hơn cả tóc, thật khó mà đếm nổi, chỉ nghĩ tới đã đau lòng. Giá có đập quan tài, lấy xác ra mà chém cũng chẳng có gì quá đáng. Xong, trẫm nghĩ là nó chết đã lâu. Trước đã bị Diêm Vương làm tội, lại đã bị lột hết quan chức, còn nắm xương khô trong mồ ta cũng chẳng thèm gia hình. Nay sai Tổng đốc Gia Định đến chỗ mồ hắn, san bằng đi rồi dựng lên đó tấm bia đá khắc tám chữ “Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xứ” (Nơi hoạn quan Lê Văn Duyệt chịu hình). Làm như thế để tỏ tội danh sau khi chết, đồng thời để tỏ phép nước cho đời sau, khiến cho những kẻ gian ngoan vạn lần lo sợ mà tự răn mình…”.
Mấy chục năm sau, phải đến thời vua Tự Đức. Vụ án của Tả quân Lê Văn Duyệt mới được minh oan. Mộ và đền mới được tôn tạo.
Thương thay!
TP.HCM, một ngày cuối Thu 2011.
Tg: Shaolaojia.