Login Form

Số Người Truy cập

04242920
Today
Yesterday
This Week
Last Week
This Month
Last Month
All days
898
1220
3097
2594575
24526
15674
4242920

2024-04-30 17:44

Chim Trời Cá nước

HOÀNG PHƯƠNG - NGƯỜI NHẠC SĨ TẬT NGUYỀN TÀI HOA MÀ BẠC PHẬN !?

     Ông bà ta đúc kết: "Người có tật thường có tài"! Điều đó đã đúng trong trường hợp của nhạc sĩ Hoàng Phương. Anh không may bị tật nguyền khi mới lớn. Có khi chính nhờ bị tật mà anh đã đến với âm nhạc và trở thành nhạc sĩ nổi tiếng. Mà người có tài thường sống lập dị, về cuối đời Hoàng Phương đã sống khác người và chết trong nghèo khó, bệnh tật.

Tuổi thơ và những kỷ niệm vui buồn

      Trong mỗi chúng ta ai cũng có một thời thơ ấu, người thì có một trời êm đềm, đầy ắp những yên bình bên cha mẹ, được sự thương yêu đùm bọc của những người thân, được no cơm ấm áo trong mái nhà hạnh phúc, được cắp sách đến trường, thầy cô trìu mến, được tung tăng đùa giỡn với bạn bè. Cũng có những người tuổi thơ là một chuỗi ngày dài bất hạnh, không được tình thương yêu trọn vẹn của gia đình, cuộc sống là những ngày tối tăm buồn bã, tuổi thơ đầy những lo toan, đầy những vất vả nhọc nhằn. Để khi tuổi thơ đã qua đi, người ta quay đầu nhìn lại… Nuối tiếc, lãng quên…

Read More

      Tuổi thơ của anh, Hoàng Phương – là cả một vùng trời thơ mộng, dù ngày xưa, một tai nạn đã xảy ra đối với anh, tưởng đã cướp đi tuổi hồn nhiên, thơ mộng của anh, anh bị tật một bên chân do một lần đùa giỡn với bạn bè mà những người làm thầy thuốc thời đó bất cẩn thế nào mà để cho anh mang tật. Cha mẹ  anh, gia đình anh, những người thân thiết của anh vô cùng đau buồn, từ một chú bé khôi ngô, hay cười hay nói, ở nhà là một con ngoan, đến trường là một trò giỏi, siêng năng, học hành rất chăm chỉ, nhưng ham chơi đùa giỡn cùng chúng bạn thì cũng chẳng ai bằng, rồi tai họa bổng nhiên ập đến, những người thân thiết của anh làm sao mà không lo âu buồn phiền cho được. Nhưng đối với anh, dù khập khiểng một chân cũng không làm cho anh mặc cảm, trên thế gian này, có cái gì là tuyệt đối đâu. Hình như mất cái này thì ta được đền bù cái khác, anh chăm chỉ học hành nhiều hơn.  Ở lớp học anh là một trong những học sinh gương mẫu, anh vẫn hòa nhập vào bạn bè nhưng đằm thắm hơn, những trò chơi rượt đuỗi, cút bắt trốn tìm hầu như anh không còn tham gia nữa. Thường thì những lần cùng chúng bạn thả diều, xếp thuyền giấy thả trôi sông đều do anh khởi xướng, những kỷ niệm êm đềm đó đã ăn vào máu vào thịt anh để sau này, khi trở thành một nhạc sĩ chuyên nghiệp anh nhớ lại những kỷ niệm của thời thơ ấu và anh đã đưa những chuyện ngày xưa ấy vào nhạc của mình.

      Tuổi thơ, thuở cắp sách đến trường, cánh diều trong những chiều lộng gió trên bãi biển Gò Công, những chiếc thuyền giấy thuở nào đã tơi tả trong mưa.. và anh đã thành công, sự thành công vang dội của “Băng nhạc Gò Công” đã nói lên điều ấy.

Gặp thầy là nhạc sĩ Lê Dinh

      Có phải khi tạo hóa lấy của đi của chúng ta cái này thì sẽ đền bù cho chúng ta cái khác? Từ ngày xảy ra tai nạn, anh bị tật một bên chân, có vẻ như anh trầm lặng hơn, những trò chơi cùng bè bạn ở trường mang tính chất đấu tranh như chia phe đánh trận, chạy đua, kéo co… anh không còn tham gia nữa.  Mà giờ đây anh thích hát, như bẩm sinh, tạo hóa như đã ban cho anh một chất giọng ngọt ngào mà các thầy cô phụ trách sinh hoạt ca hát của trường đã phát hiện và luyện tập cho anh. Trong những lần tổ chức văn nghệ của nhà trường lúc nào cũng có mặt anh, lúc đầu thì anh có tên trong ban hợp ca, rồi song ca, về sau này  anh là một giọng ca chủ lực của trường. Cha mẹ và những người thân của anh không nói ra nhưng có vẻ bắt đầu lo lắng, anh có những biểu hiện trầm tư một mình, những người thân của anh thường thấy anh đứng say sưa nhìn sóng vỗ vào những buổi chiều trên bãi biển Gò Công. Cũng có khi thấy anh ngồi một mình nhìn lên bầu trời khi hoàng hôn xuống. Những người thân của anh làm sao mà không lo lắng cho được, khi trong anh  đã có một sự thay đổi vô cùng to lớn: Anh say mê ca hát hơn những bài học trên ghế nhà trường.

hong phng
  Nhạc sĩ Hoàng Phương

      Và rồi trong một đêm mùa thu, trên đường đi học thêm về, tiếng đàn violon nhà ai bên cạnh đường vang lên, lúc bổng lúc trầm, lúc khoan lúc nhặt... Đó là cái đêm định mệnh của cậu bé Lê Kim Hoàng, một bước ngoặc làm thay đổi cuộc đời anh từ đây, nhịn ăn quà sáng, anh dành dụm cho tới lúc mua được cây đàn violon..và tự học lấy một mình, nhưng đàn violon không phải là thứ nhạc cụ dễ học, và rồi anh tìm đến đàn guitare, anh tự học một mình, mày mò, cần mẩn...

      Cho đến một hôm, mùa hạ, năm 1955, nhạc sĩ Lê Dinh trở về Gò Công mở lớp dạy nhạc và, nhạc sĩ Lê Dinh, một người nhạc sĩ tài hoa bậc nhất vào thời ấy là người thầy đầu tiên của nhạc sĩ Hoàng Phương, khi ấy Hoàng Phương  12 tuổi, đang học lớp Đệ lục (lớp 6 bây giờ).

      Lê Dinh tên thật là Lê Văn Dinh,sinh năm 1934, tại làng Vĩnh Hựu, tỉnh Gò Công, nay là tỉnh Tiền Giang, ông là một trong ba thành viên của ban nhạc nổi tiếng Lê Minh Bằng, ông hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc ở miền Nam từ khoảng giữa thập niên 1950, và sau khi ra nước ngoài ông cũng vẫn tiếp tục với sự nghiệp sáng tác. Dù đang làm việc trong một hoàn cảnh nào, ông cũng vẫn sáng tác một cách đam mê. Cuộc đời ông cũng có lúc thăng trầm, nhưng hầu như lúc nào ông cũng có ý chí đi lên.

     Từ năm 1948 đến 1953, học Trung học Collège le Myre de Vilers (Mỹ Tho), học hàm thụ lớp hòa âm và sáng tác của École Universelle de Paris. Từ năm 1953 đến 1955, học Trường Cao đẳng vô tuyến điện Sài Gòn (École Supéricure de Radioelectricceté de Saigon).  Từ năm 1955 đến 1957, dạy học Pháp văn và âm nhạc ở Gò Công và Chợ Lớn. Từ năm 1957 đến 1975, làm việc tại Đài phát thanh Sài Gòn. Tháng 10 năm 1978, ông định cư ở Montréal, Canada cho đến nay. Từ năm 1979 đến 1999, ông làm việc cho tàu chở hàng quốc tế Federal Navigation (FEDNAV) tại Montréal, hãng tàu đã cứu 40 người trên chiếc ghe bị nạn, trong đó có gia đình của nhạc sĩ Lê Dinh.

     Trong sự nghiệp âm nhạc, ông sáng tác rất nhiều, nhưng những bản nhạc được mọi người yêu thích nhất thời ấy là những bản mà ông sáng tác ở giai đoạn từ năm 1958 đến năm 1966. Vì vào khoảng thời gian ấy số nhạc sĩ ở miền Nam không nhiều, những bản nhạc họ sáng tác ra là cả một sự lao động bằng trí tuệ, cho đến hôm nay, dù bốn năm chục năm rồi nhưng những bản nhạc ấy vẫn còn sống mãi.

      Thời nào cũng vậy, người nghe như nao nao, như nhớ lại một thuở nào, một buổi tối nào đó rãnh rỗi, có dịp ta nghe lại... “Làng anh làng em – 1956 (tác phẩm đầu tay), Ngày ấy quen nhau – 1959, Thương đời hoa – 1960, Hôm nào anh đi – 1960, Có nhớ không anh – 1960, Tấm ảnh ngày xưa – 1961, Cánh thiệp hồng - 1961, Ga chiều – 1962, Xác pháo nhà ai – 1964, Chiều lên Bản Thượng – 1964, Tình yêu trả lại trăng sao – 1964, Thương về xứ Thượng – 1965, Ngang trái – 1965...

        Trong giới nhạc sĩ sáng tác hồi đó (trước năm 1975), người ta thường có nghe những nhạc phẩm nổi tiếng được đề tên nhạc sĩ sáng tác là Lê Minh Bằng, thật ra Lê Minh Bằng là tên của ba người ghép lại, ba người ở ba miền Nam Trung Bắc, mến tài mến đức, duyên kỳ ngộ khiến ba người tìm lại với nhau: Lê Dinh – Minh Kỳ - Anh Bằng.

      Minh Kỳ (1930 – 1976), sinh tại Nha Trang, tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Mỹ, là dòng dõi hoàng tộc, có vai vế ngang hàng với  vua Bảo Đại.

      Anh Bằng, tên thật của ông là Trần An Bường, sinh năm 1925 tại Ninh Bình, gần ranh giới tỉnh Thanh Hóa, ông vào Nam năm 1954 và sinh sống ở Sài Gòn cho đến năm 1975.

      Những bản nhạc của của họ đã đi vào lòng người, những nhân vật trong nhạc ta cứ ngỡ như là có thật, không buồn không tội sao được khi ta nghe “Lan và Điệp 1, 2 và 3”, không nao nao sao được khi nghe “Chuyện hoa sim” phỏng theo bài thơ bất hũ của Hữu Loan. Khi sáng tác, ngoài nghệ danh là Lê Minh Bằng ra họ còn lấy những tên khác Vũ Chương, Mạc Phong Linh, Mai Thiết Lĩnh, Mai Bích Dung, Dạ Ly Vũ, Dạ Cầm, Giang Minh Sơn, Hoàng Minh, Trần An Thanh, Tây Phố, Trúc Ly, Tôn Nữ Thụy Khương, Phương Trà, Huy Cường, Mặc Vũ. (như bản Lan và Điệp 1, 2 và 3 được đề tên tác giả là Mạc Phong Linh và Mai Thiết Lĩnh). Họ sáng tác rất nhiều trong thời gian cộng tác ở bên nhau, nhạc của Lê Minh Bằng có lẽ hôm nay và ngày mai nữa khi nghe lòng ta vẫn bồi hồi, xao xuyến, xin giới thiệu lên đây những bản nỗi tiếng trong rừng nhạc mênh mông của các ông: “Đường về khuya,  Chuyện hoa sim – phổ thơ của Hữu Loan, Chuyện tình màu hoa trắng – phổ thơ của Kiên Giang, Chuyện tình Lan và Điệp 1, 2, 3, Lần đầu và cũng là lần cuối…

      Trong tất cả những bản nhạc của Lê Dinh thời bấy giờ có một bản mà hầu hết thanh niên nam nữ thời  ấy ai cũng biết, đó là bản nhạc nổi tiếng “Tình yêu trả lại trăng sao”, ông viết về một cuộc tình nam nữ khi mới yêu nhau, những buổi ngóng trông và những lần hò hẹn, những kỷ niệm như mật ngọt êm đềm..và rồi vỡ tan, rồi xa cách nghìn trùng.  Trong đời sống của mỗi con người chúng ta, ai không một lần yêu, ai không một lần dang dỡ, nhạc phẩm một thời nổi tiếng của ông với những ca từ dễ nhớ, dễ thuộc, tiết tấu của bản nhạc đơn giản, không có gì phức tạp, âm giai thứ, thể điệu tango habanera (ca khúc chơi điệu habanera, điệp khúc chuyển sang tango) cho tới bây giờ, dù tình yêu ai mất ai còn, trong mỗi chúng ta nếu có một lần nghe lại bản nhạc này chắc cũng thấy lòng mình sao sao.

      Trong đạo lý Á Đông, khi nói về công lao của người thầy, người ta trọng vọng và coi người thầy như  là một người cha thứ hai, và anh, cậu học trò Lê Kim Hoàng – nhạc sĩ Hoàng Phương. Ngoài những người thầy đã dạy dỗ anh dưới mái trường Trương Định ở Gò Công còn có một người cha thứ hai tài ba lỗi lạc nữa đã vỡ lòng cho anh từ nốt nhạc ré mi, để sau này anh được nhiều người biết đến, đó chính là nhạc sĩ Lê Dinh. Có thể nói, chính Lê Dinh cùng với dòng nhạc Lê Minh B8àng do anh tham gia đã góp phần quyết định tạo nên một nhạc sĩ Hoàng Phương tài hoa sau đó.

Nhạc Gò Công với tiếng ca độc quyền Bảo Yến

      Sau 30/4, một số nhạc sĩ ra nước ngoài như Lam Phương, Đỗ Lễ, Hoàng Thi Thơ…  hợp pháp có, vượt biên trái phép cũng có, số còn lại như Trúc Phương, Trần Thiện Thanh, Tú Nhi, Duy Khánh… thì không được phép hoạt động, hầu hết các bản nhạc của họ xuất bản trước 30/4 đều bị cấm lưu hành.  Âm nhạc, món ăn tinh thần của người dân miền Nam hồi đó bị thiếu trầm trọng, và Hoàng Phương, nhạc sĩ duy nhất của “nhạc vàng” sau ngày giải phóng còn được sáng tác.

      Sau thành công vang dội với nhạc phẩm “Hoa sứ nhà nàng”, tên tuổi của anh được hầu hết giới yêu thích ca hát biết đến, thời gian này anh say mê sáng tác. Chủ đề chính trong nhạc của anh là tình yêu, tình yêu quê hương đất nước, yêu nơi chôn nhao cắt rốn, nơi cưu mang anh nên người, anh viết nhiều về Gò Công, nó đẹp đến nỗi, mà người nghe ao ước, ít nhất cũng một lần phải đến Gò Công. Thời gian này anh thường lên các trung tâm phát hành băng nhạc ở Sài Gòn, anh tìm đến nhạc sĩ Quốc Dũng (chồng của chị Bảo Yến), hồi đó Quốc Dũng là bậc thầy về hòa âm, phối khí, và trong một lần Bảo Yến hát thử nhạc của anh.

      Bảo Yến tên thật là Kim Yến, sinh ngày 27/2/1957 tại đồi Mang Cá, thành nội Huế, (nguyên quán ở Quảng Trị), được thấm nhuần từ những giọng hò câu hát trên núi Ngự sông Hương, chị nổi tiếng với dòng nhạc dân ca Trung Bộ. Chất giọng chị ngọt ngào mang đậm nét trữ tình của người con gái Huế với chiếc nón bài thơ, giọng ca của chị dù một người khó tánh khi nghe cũng phải nao lòng, một phong cách rất riêng của người con gái xứ Huế. Bảo Yến xuất thân từ một gia đình có truyền thống về âm nhạc, cha của chị là nghệ sĩ Thủy Triều. Ngay từ khi còn nhỏ Bảo Yến đã được cha rèn luyện, uốn nắn, chị trở thành ca sĩ chuyên nghiệp khi hãy còn rất trẻ. Năm 1981, chị được đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh mời về cộng tác ghi âm, thu hình ca nhạc của đài, Bảo Yến có người em gái là ca sĩ Nhã Phương (từng là hàng ca sĩ gạo cội ở Sài Gòn sau 1975, chồng  của Nhã Phương là nhạc sĩ lừng danh Lê Hựu Hà, một trong những nhạc sĩ đầu tiên viết về nhạc trẻ ở Việt Nam), em trai của chị là nhạc sĩ Kim Tuấn, và chồng của chị là nhạc sĩ Quốc Dũng.

      Quốc Dũng sinh năm 1951 tại Thái Lan, khi anh được ba tuổi, năm 1954, gia đình anh hồi hương về Việt Nam, mới 10 tuổi anh học ở Quốc gia âm nhạc Sài Gòn, anh đậu thủ khoa môn nhạc Pháp Tây phương năm anh mới có 16 tuổi. Có thể nói anh là một người có năng khiếu đặc biệt về âm nhạc, anh viết bản nhạc đầu tiên khi mới 11 tuổi, nhưng đó là bản nhạc không lời, 15 tuổi anh đã có dịp trình diễn đàn mandolin trên đài truyền hình Việt Nam trong dàn nhạc đại hòa tấu, và 17 tuổi nhạc phẩm đầu tay của anh “Em đã có mùa xuân chưa”được ra đời. Trong thập niên 1970, anh cùng Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà là những nhạc sĩ đầu tiên viết về dòng nhạc trẻ Việt Nam. Sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ như đàn mandolin, guitare, piano, trống, bass, keyboart, organ... Từ đây, với tiếng ca Bảo Yến và kỷ thuật hòa âm điêu luyện của Quốc Dũng, băng nhạc Gò Công của Hoiàng Phương bắt đầu hình thành, lúc đó cũng có nhiều ca sĩ hát nhạc của anh, mà hình như chỉ có giọng  ca của Bảo Yến thể hiện là thành công nhất. Giọng ca của chị như một lời tình tự, nghe như gợi nhớ một cái gì đã mất, như một lời réo gọi từ cõi xa xôi nào, chị hát về quê hương Gò Công mà sao giống như những lời tình tự với người yêu, giọng kéo dài, khàn khàn, nhừa nhựa nghe như nũng nịu, như đam mê của một người nói với một người.

     Hồi đó có người bảo hình như trời sanh ra Bảo Yến chỉ để ca nhạc của Hoàng Phương. Hoàng Phương lao vào con đường sản xuất băng nhạc, chẳng bao lâu  “Băng nhạc Hoàng  Phương” với tiếng ca Bảo Yến, Quốc Dũng hòa âm được phát hành, mà sau này người ta thường gọi là “Băng nhạc Gò Công”. Hồi đó, người dân còn nghèo lắm, chiếc máy cát-sét là “đại xa xí phẩm”, cả xóm, gặp xóm nghèo nhiều khi không có cái nào, nhất là ở quê, chỉ khi gia đình có tiệc vui, ráng chạy cho kỳ được chiếc máy cát-sét, để ngày vui vừa lai rai rượu đế vừa nghe nhạc Gò Công. Nói quá đáng, hồi đó nghe Bảo Yến ca “Thương một người ở xa”, rồi tưởng như Bảo Yến đang tâm sự với mình, vô một ly khỏi cần đưa cay. Ở chợ mà muốn nghe Bảo Yến ca nhạc Gò Công thì dễ, sau một ngày công việc, buổi tối ra quán cà phê, kêu một ly cà phê đá, vài điếu thuốc, khỏi cần kêu cô chủ quán mở nhạc, vì vị khách trước đó cũng đang phì phèo điếu thuốc và cũng đang nghe nhạc Gò Công. Lúc đó người ta nghĩ ra cách quay roneo những bản nhạc trong “băng nhạc Gò Công” để bán (sau này “băng nhạc Gò Công” được in thành tập nhạc, có nhà xuất bản đàng hoàng), “tập nhạc Gò Công” được bày bán trong mấy tiệm tạp hóa, và hầu hết các bến xe, mấy cô chú nhỏ bán bánh mì, đậu phọng đều có bán kèm thêm “tập nhạc Gò Công”. Trên những chuyến xe trong khi chờ xuất bến, từ chiếc cát sét cũ kỷ Bảo Yến cũng đang hát nhạc Gò Công. Những thanh niên nam nữ  ở thôn quê mà biết ca hát chút chút hồi ấy, không nhiều thì họ cũng ca được vài bản nhạc Gò Công, nhạc của anh dễ ca, lời bài hát dễ nhớ, tiết tấu của bản nhạc không có nhiều phức tạp. Người chơi đàn có thể “phăng” theo “ca sĩ” một cách bài bản nhịp nhàng, không riêng gì những bản trong “Băng nhạc Gò Công” mà hầu hết trong tất cả các bản nhạc do anh sáng tác đều theo thể loại bolero, một thể loại cực thịnh thời đó. Hợp âm chính của bản nhạc thường mang âm giai thứ, đàn guitare mà chơi bolero với những họp âm thứ nghe sao buồn buồn gì đâu, người viết bài này hồi ấy cũng đã từng gắn bó với cây đàn guitare, cũng từng với bạn bè trong xóm nghèo. Ở đó cũng có giòng sông, có những chiều lộng gió, những đêm quây quần bên nhau dưới ánh trăng và ca hát những bản tình ca quê hương của anh, mấy chục năm rồi còn gì, mây hợp để rồi tan, ở đâu đó, bạn ơi, có còn “Thương một người ở xa” nữa không ?

      Nhạc của Hoàng Phương có rất nhiều ca sĩ trong nước cũng như ở hải ngoại trình bày, mỗi người một nét, người nào cũng có cái hay riêng của họ như: Anh Hai về làng – Mộng Thi hát, Ánh mắt quê hương – Hương Lan -  Giao Linh - Yến Khoa hát, Anh về tình đẹp quê hương – Hạ Vy hát, Biển tím – Tâm Đoan hát, Chiếc cầu chiều mưa – Hương Lan – Ngọc Sơn hát, Chiều mưa tháng bảy – Hương Lan hát, Chiều nghe biển hát – Don Hồ - Lâm Thúy Vân hát, Chung một dòng sông – Khánh Duy – Phương Dung hát, Chung vầng trăng đợi – Phi Nhung hát, Chuyện tình hoa muống biển – Hương Lan – Giao Linh hát, Hoa sứ nhà nàng – Đan Nguyên – Khánh Duy – Duy Linh – Tường Nguyên – Phương Mai – Thiên Trang – Quốc Đại – Trường Vũ – Chế Linh hát, Hương Sơ Ri – Quốc Đại hát…”

      Những bản nhạc trong “Băng nhạc Gò Công” được Hoàng Phương viết trong khoảng thập niên 1980, hình như chỉ có giọng ca Bảo Yến là thành công vượt bậc, với tiếng ca Bảo Yến và nhạc sĩ Quốc Dũng hòa âm, ta nghe như có cái gì đó khác biệt, nhạc “Gò Công” mà không phải  Bảo Yến ca, không do Quốc Dũng hòa âm thì không còn là nhạc Gò Công nữa.

     Xin hãy cùng nghe Bảo Yến hát lại những bản nhạc một thời vang bóng để cùng nhớ về một người nhạc sĩ tài danh: “Chiều hạ vàng, chiều hè bãi biển, chung một dòng sông, Gò Công hồng trang sử, Biển thức, Thương một người ở xa, Nhà em đó bên kia sông, Biển Gò Công khi em đến, Chiều xuân qua thị trấn Gò Công, Khung trời quê, Mỹ Tho thành phố cội nguồn, Biển tím sông Tiền, Nhớ biển Gò Công, Trưa hè trên bãi biển Gò Công…”

Chết trong cô đơn và nghèo túng

      Trước năm 1975, Hoàng Phương vừa viết nhạc vừa trông coi tiệm buôn bán đồng hồ, về sau anh có mở hai tiệm vàng Kim Hoàng và Toàn Tân tại thị xã Gò Công, có thể nói hoàn cảnh kinh tế  của gia đình Hoàng Phương lúc đó rất khá giả, nhưng vì nặng nợ với nghiệp cầm ca, anh chọn con đường sống xa gia đình. Cho đến năm 1989, anh bỏ lại tất cả sự nghiệp, kể cả gia đình, vợ và tám đứa con, anh bước thêm một bước nữa với  người yêu mới tên là Mộng Vân nhỏ hơn anh hai con giáp.

      Anh cất một căn nhà tạm bợ trên bãi biển Tân Thành (2m x 2m), gọi là nhà cho có chỗ để đi về, càng về sau này cuộc đời anh như buông thả, suốt ngày anh vùi đầu bên ly rượu, có khi mới sáng mà người ta đã thấy anh ngà say, một mình đi lang thang trên bãi biển Tân Thành.

 

nhc s hong phng
 
Vợ con và ngôi nhà nơi Hà Phương sống cuối đời
      Trong căn lều bé nhỏ anh vẫn sáng tác, một bên là cây đàn guitar và một bên là chai rượu, để rồi một thời gian sau đó anh suy sụp, càng buồn phiền anh càng phẩn chí, anh lại vùi đầu vào ly rượu để lãng quên đời, rượu chè thâu đêm suốt sáng, điếu thuốc lúc nào cũng lấp lóe trên môi...

      Anh chưa quên được đời nhưng đời đã muốn xa anh, một hôm anh phát hiện ra mình mang một chứng bệnh quái ác, bệnh ung thư gan. Từ một người phong lưu trí thức, từ một nhạc sĩ tài hoa bỗng một sớm một chiều trở nên tàn tạ, như cánh hoa phù dung ngày qua mau vội vã…

      Hoàng Phương mất ngày 19 tháng 10 năm 2002 tại Gò Công, hưởng thọ được 62 tuổi. Đám tang được tổ chức đơn sơ trong căn nhà bé nhỏ nghèo nàn của vợ chồng anh trên bãi biển Tân Thành. Khi chết đi anh vẫn còn nặng nợ với nghiệp cầm ca, anh còn để lại cho người, cho đời khoảng 10 ca khúc bằng bản thảo viết tay: Biển khóc, Thuyền giấy chiều mưa, Hương bâng khuâng, Tình hạ buồn, Tìm em quán Phượng, Bươm bướm ngày thơ, Em vẫn chờ, Kiếp tơ tằm, Mộng tàn, Mùa nhạn trắng v.v… có phải như một cảm ơn, cảm ơn cuộc sống dù đau khổ muộn phiền này...

      Dẫu biết rằng đời là cõi tạm, bên kia mới là cõi vĩnh hằng. Anh đã yên nghĩ được 10 năm rồi, vậy mà hôm nay ngồi viết lại… tất cả như mới hôm qua.
Sưu tầm

Hình Ảnh Mới Nhất

  • Hun-luyn-s-dng-CCHT-2.JPG
  • IMG_0167.JPG
  • IMG_0195.JPG
  • IMG_0213.JPG
  • IMG_0417.JPG
  • Thiu-t-v-s-Thiu-Ngc-Sn-2.jpg
  • Thy--Vng.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-11.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-Sn-5.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-Sn-15.JPG
  • Vng-2.JPG