Login Form

Số Người Truy cập

04464512
Today
Yesterday
This Week
Last Week
This Month
Last Month
All days
443
692
2623
2817258
2623
21742
4464512

2024-12-05 10:55

Án Giang Hồ - Hồ Sơ Lật Lại

Tìm hiểu về cuộc Cách mạng "Cải cách ruộng đất 1953"

Cách mạng ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Bài viết này có nhiều yêu cầu chú thích nguồn gốc chưa được đáp ứng. Xin giúp cải thiện bài viết bằng cách chú giải từ các nguồn có uy tín để người đọc có thể kiểm chứng được thông tin. Những câu văn hay đoạn văn không có chú thích kiểm chứng được có thể bị thay thế hoặc xóa đi bất cứ lúc nào.

Cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam là chương trình nhằm xóa bỏ văn hóa phong kiến, tiêu diệt các thành phần bị xem là "bóc lột", "phản quốc" (theo Pháp, chống lại đất nước), "phản động" (chống lại chính quyền) như địa chủ, Việt gian, cường hào, các đảng đối lập... được Đảng Lao động Việt NamChính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực hiện vào những năm 19531956. Cải cách ruộng đất tịch thu tài sản, đất đai của những người này và chia cho bần nông, cố nông; đồng thời tiến hành đấu tố và xử tội họ.

 

Read More

Đây là một trong những phương cách chính yếu mà những người theo chủ nghĩa cộng sản nghĩ rằng phải thực hiện để lập lại công bằng xã hội, đồng thời thiết lập nền chuyên chính vô sản nhằm tiến lên chủ nghĩa xã hội một cách nhanh chóng. Trong bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (Manifesto), Karl Marx đã tuyên bố: "cách mạng ruộng đất là điều kiện để giải phóng dân tộc". Dựa theo mô hình "thổ địa cải cách" của Trung Quốc (19461949), cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc được tổ chức với tinh thần đấu tranh giai cấp triệt để. với sự cố vấn trực tiếp của các cán bộ đến từ Trung Quốc

Sau 3 năm tiến hành, cuộc cải cách đã phân chia lại ruộng đất công bằng cho đa số nông dân miền Bắc, xóa bỏ giai cấp địa chủ phong kiến. Tuy nhiên, việc áp đặt giáo điều các biện pháp dập khuôn từ cải cách ruộng đất của Trung Quốc đã gây ra nhiều phương hại và tổn thất. Cuộc cải cách và đấu tố này đã gây ra không khí căng thẳng tại nông thôn miền Bắc lúc ấy, gây tác hại đến sự đoàn kết dân tộc của người Việt, ảnh hưởng tới niềm tin của một số tầng lớp nhân dân với Đảng Lao Động Việt Nam. Suốt 1 năm sau đó, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phải tổ chức chiến dịch nhận khuyết điểm và sửa sai, phục hồi danh dự và tài sản cho các trường hợp oan sai, cũng như cách chức nhiều cán bộ cấp cao chịu trách nhiệm về những sai lầm này.

Mục đích

Chương trình cải cách ruộng đất là một bước trong tiến trình đưa miền Bắc Việt Nam tiến lên xã hội chủ nghĩa, do Đảng Lao động Việt Nam tổ chức và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực thi, hệ thống hóa và khai triển trên địa bàn rộng, công việc mà nhiều chính quyền địa phương đã làm từ những năm đầu Cách mạng tháng Tám:

1. Tịch thu tài sản ruộng đất do người Pháp, người dân di cư, hay Việt gian (những người theo Pháp) bỏ lại, hay bỏ hoang vì chiến tranh;

2. Phân chia cho tá điền;

3. Cắt giảm địa tô;

4. Bãi bỏ mọi khoản tiền thuê ruộng.

Theo tài liệu của Đảng Cộng sản Việt Nam thì các công việc này cũng được Đảng và Chính phủ tiếp tục từng bước giải quyết trong kháng chiến chống Pháp, nhưng đến 1953 thì mới được phát triển rộng (khởi sự tại Thái Nguyên).

Tại kì họp thứ ba của Quốc hội, để phát động chiến dịch, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh phát biểu: "Luật cải cách ruộng đất của ta chí nhân, chí nghĩa, hợp lí hợp tình, chẳng những là làm cho cố nông, bần nông, trung nông ở dưới có ruộng cày, nhưng đồng thời chiếu cố đồng bào phú nông, đồng thời chiếu cố đồng bào địa chủ".

Trước đó, thông tư liên bộ của năm 1949 đưa ra nguyên tắc chủ yếu về phân chia tạm thời ruộng đất cho nông dân mà những ruộng đất này họ tịch thu được từ điền chủ của người Pháp, từ điền chủ là những người mà chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quy kết là "Việt gian", tức là những người bị kết tội thông đồng với Pháp.

Tổ chức

Tháng 12 năm 1953, Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhóm họp và thông qua Dự luật Cải cách ruộng đất 197/HL. Chủ tịch Hồ Chí Minh phê thuận và chính thức ban hành bộ luật này vào ngày 19 tháng 12 năm 1953 để kỷ niệm ngày Toàn quốc Kháng chiến, mang tên "Luật Cải cách Ruộng đất". Đồng thời điểm này, Ủy ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Đại hội Toàn quốc Đảng Lao động Việt Nam cũng họp và tổ chức chuẩn bị thi hành cải cách ruộng đất sâu rộng trên toàn lãnh thổ. Đảng này cũng chỉ định một ủy ban lãnh đạo chương trình cải cách ruộng đất và hoạch định tiến trình cải cách ruộng đất.

Ban lãnh đạo

Trưởng ban chỉ đạo: Trường Chinh (Tổng Bí thư đảng)

Trưởng ban chỉ đạo thí điểm Thái Nguyên: Hoàng Quốc Việt (Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương đảng)

Trưởng ban chỉ đạo thí điểm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh: Lê Văn Lương (Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương đảng)

Giám đốc trực tiếp điều hành chiến dịch: Hồ Viết Thắng (Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương đảng)

Tiến trình

Chương trình cải cách ruộng đất được áp dụng qua bốn bước chính:

Huấn luyện cán bộ

Các cán bộ Đảng Lao động tham gia cải cách ruộng đất được đưa đi học khóa chỉnh huấn 1953, và một số được đưa đi huấn luyện tại Trung Quốc. Các chương trình học tập nhằm giúp cán bộ nắm vững đường lối của đảng trong cải cách ruộng đất, quán triệt quan điểm: "Trí, phú, địa, hào đào tận gốc trốc tận rễ". Tổng số cán bộ được điều động vào công tác là 48.818 người.

Chiến dịch Giảm tô

Bước đầu, các đội cán bộ cải cách ruộng đất đi vào các làng xã và áp dụng chính sách "3 Cùng" (cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm) với các bần cố nông trong làng xã đó, kết nạp họ thành "rễ", thành "cành" của đội, sau đó triển khai chiến dịch từng bước như sau:

Phân định thành phần: Đội Cải cách Ruộng đất ra mắt làng xã, và tất cả các gia đình trong xã được họ phân loại thành 5 thành phần:

(a) địa chủ;

(b) phú nông;

(c) trung nông cứng - sở hữu 1 con bò, 1 con lợn, 1 đàn gà;

(d) trung nông vừa - sở hữu 1 con lợn, 1 đàn gà;

(e) trung nông yếu - sở hữu 1 đàn gà hay không có gì cả;

(f) bần nông;

(g) cố nông. Gia đình có 2 con lợn đã có thể gọi là phú nông.

Tỷ lệ địa chủ được quy định trước là 5,68% dân số nông thôn và các đoàn và đội cải cách đều cố truy bức để đôn tỷ lệ địa chủ lên 5% như một quy định bắt buộc, gọi là "kích thành phần".

Phân loại địa chủ: Tất cả các gia đình bị xếp vào thành phần địa chủ như nói trên được đội cải cách phân loại thêm một lần nữa thành

(a1) Địa chủ gian ác;

(a2) Địa chủ thường;

(a3) Địa chủ có ủng hộ kháng chiến.

Thành phần địa chủ gian ác bị đội cải cách bắt ngay lập tức và quản thúc.

Áp dụng thoái tô: Đối với các gia đình có địa chủ bị bắt nói trên, đội cải cách thông báo với họ về các sắc lệnh giảm tô của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bao gồm: sắc lệnh giảm tô xuống còn 25% vào tháng 11 năm 1945, Sắc lệnh số 87/SL năm 1952 và 149/SL năm 1953 giảm tô thêm 25%. (Tại miền Bắc, tô hay địa tô là tiền thuê ruộng mà tá điền phải trả cho địa chủ sau mùa gặt, có thể trả bằng thóc.) Căn cứ theo đó, địa chủ nào chưa giảm tô cho nông dân thì bây giờ phải trả số nợ đó — gọi là "thoái tô". Nếu không trả đủ nợ thì tài sản bị tịch thu, phân phát do nông dân. Sau bước này, hầu hết gia đình địa chủ lâm vào hoàn cảnh khánh kiệt, nhiều người đến chỗ tự sát — vì nếu sống trong vùng kiểm soát của Pháp thì không biết gì về các sắc lệnh của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Học tập tố khổ, lùng bắt địa chủ: Các bần nông, cố nông, "chuỗi", "rễ" được đội cải cách cho học lớp tố khổ do họ mở, qua đó học viên được nhận dạng các tội ác của địa chủ, và được khuyến khích nhớ ra tội ác của từng địa chủ đã bóc lột họ như thế nào. Sau khi học qua lớp tố khổ nhiều du kích và cốt cán cải cách ruộng đất tìm bắt địa chủ, Việt gian, thậm chí họ "vác súng vào thành phố lùng bắt địa chủ và con cái địa chủ là cán bộ công nhân viên chức nhà nước".

Công khai đấu tố: Các buổi đấu tố được tổ chức, thông thường vào ban đêm. Số lượng người tham gia đấu tố được huy động từ vài trăm đến cả ngàn người, và thời gian đấu tố từ một đến ba đêm tùy theo mức độ tội trạng của địa chủ. Trong đêm đấu tố, các bần nông bước ra kể tội địa chủ đã bóc lột họ như thế nào. Tại các tỉnh có tổ chức cải cách ruộng đất, Đảng Lao động cho ra tờ báo lấy tên là Lá Rừng (ngụ ý tội ác địa chủ nhiều như lá rừng) tường thuật chi tiết các vụ đấu tố. Sau khi bị đấu tố các địa chủ được tạm giam trở lại để chờ tòa án nhân dân xét xử. Gia đình và thân nhân người bị đấu tố thì bị cô lập, bị bỏ đói và chịu nhiều sự phân biệt đối xử và nhục hình.

Xử án địa chủ: Tại các huyện, một tòa án nhân dân đặc biệt được lập ra và đi về các xã xét xử các địa chủ. Sau khi kết án, nếu bị kết án tử hình, đội tự vệ xã sẽ thi hành án trước công chúng. Những người không bị xử bắn thì bị cô lập trong các làng xã, một số bị thiệt mạng vì bị bỏ đói.

Tổng cộng có tám đợt giảm tô từ 1953 đến 1956 tiến hành tại 1.875 xã.

Chiến dịch Cải cách ruộng đất

Nhiều tháng sau khi chiến dịch Giảm tô được triển khai, chương trình Cải cách ruộng đất chính thức bắt đầu, với hình thức tương tự nhưng trên địa bàn rộng lớn hơn, và các gia đình địa chủ có thành tích kháng chiến, kể cả các gia đình có đảng viên, cán bộ, bộ đội phục vụ trong kháng chiến cũng bị đấu tố. Tổng cộng có năm đợt cải cách ruộng đất từ 1953 đến 1956 tiến hành tại 3.314 xã. Người đầu tiên bị buộc tội chết trong cải cách ruộng đất là một phụ nữ, bà Nguyễn Thị Năm ở Thái Nguyên, bà là địa chủ kháng chiến có nhiều công lao lớn với cách mạng Việt Nam.

Tổng cộng có 6 đợt lớn cải cách ruộng đất. Từ cuối năm 1954, dưới sức ép của cố vấn Trung Quốc, chiến dịch cải cách ruộng đất bắt đầu được đẩy mạnh và nhanh, với cường độ lớn. Từ giữa năm 1955 ở một số nơi đã xuất hiện hiện tượng đấu tố tràn lan, mất kiểm soát. Từ đó đến cuối năm 1955, cảnh đấu tố địa chủ xảy ra tràn lan, nhiều lúc chỉ đơn thuần bằng một lời tố giác đơn giản, những thành viên trong tòa án nhân dân cũng có thể xử tử hình hay tù khổ sai đối với người bị tố giác. Đã xuất hiện tình trạng lạm dụng quyền hành của các cán bộ đội viên đội công tác ruộng đất trong công tác đất đai. Họ đấu tố mọi nhà, đấu tố mọi người, nhưng lại quên đấu tố bản thân. Số người chết trong đợt này là rất lớn, trong đó số người chết oan chiếm tỷ lệ cao. Quyết liệt nhất là ở Thái Bình, nơi có đến 294 xã được đưa vào cải cách.

Theo tài liệu của Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 11 năm 1953, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 quyết định tiến hành việc cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam. Từ năm 1953 tới 1957, 810.000 hecta ruộng đất ở đồng bằng và trung du miền Bắc đã được chia cho 2 triệu hộ nông dân, chiếm khoảng 72,8% số hộ nông dân ở miền Bắc. Trong khi đó, phân bố ruộng đất miền Bắc trước năm 1945, chỉ có 4% dân số đã chiếm hữu tới 24,5% tổng số ruộng đất.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác việc thực hiện cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam đã gây ra nhiều hậu quả to lớn. Đã có rất nhiều người bị đấu tố oan. Theo tài liệu của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều nông dân trong tầng lớp trung nông đã bị đấu tố là địa chủ và việc đấu tố oan là do "bị địch lũng đoạn". Những sai lầm này, như đã được đề cập đến trong bài phát biểu tháng 10 năm 1956 tại Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của giáo sư, luật sư Nguyễn Mạnh Tường, đã làm Đảng Cộng sản Việt Nam bị mất uy tín đối với nhiều người dân.

Chiến dịch sửa sai

Trong tuyên bố của Hội nghị Trung ương 10 của Đảng Lao động Việt Nam, tháng 9 năm 1956 đã nghiêm khắc phê bình:

Giai đoạn vừa qua có nhiều sai lầm và khuyết điểm. Đặc biệt là trong cuộc cải cách nông nghiệp và điều chỉnh tổ chức. Hội nghị Trung ương lần thứ 10 đã phân tích chi tiết các khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân và thống nhất những biện pháp khắc phục. Hội nghị thừa nhận nguyên nhân của những khuyết điểm là sự yếu kém của bộ máy lãnh đạo. Vì thế Ban chấp hành Trung ương nhận khuyết điểm của mình. Các ủy viên tham gia trực tiếp đã kiểm điểm trước TƯ theo tinh thần tự phê, và chấp nhận những hình thức kỷ luật nghiêm khắc.

Do nhận định chiến dịch Cải cách ruộng đất giết lầm nhiều người vô tội và gây ra chống đối mạnh trong dân chúng, Đảng Lao động Việt Nam và chính phủ tiến hành các bước sửa sai như sau:

Tháng 2 năm 1956, Hội nghị Trung ương đảng lần thứ 9 tuyên bố các sai lầm trong cải cách ruộng đất.

Tháng 3 năm 1956, Quốc hội họp lần thứ 4 tường trình bản báo cáo các sai lầm và biện pháp sửa sai.

Ngày 18 tháng 8 năm 1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào và cán bộ nhìn nhận sai lầm và cho biết Trung ương đảng và chính phủ đã nghiêm khắc kiểm điểm các sai lầm.

Ngày 24 tháng 8 năm 1956, báo Nhân Dân công bố có một số đảng viên trung kiên đã bị hành quyết sai lầm trong chiến dịch Cải cách Ruộng đất.

Tháng 9 năm 1956, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương đảng (họp từ 25/8 đến 24/9/1956) nhận định các nguyên nhân đưa đến sai lầm, và thi hành biện pháp kỷ luật đối với Ban lãnh đạo chương trình Cải cách Ruộng đất như sau: ông Trường Chinh phải từ chức Tổng Bí thư đảng, nhưng vẫn là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, ông Hoàng Quốc Việt ra khỏi Bộ Chính trị, xuống ủy viên Trung ương và Lê Văn Lương ra khỏi Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị và Bí thư Trung ương Đảng xuống ủy viên dự khuyết TW, và ông Hồ Viết Thắng bị loại ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Ngày 29 tháng 10 năm 1956, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người không tham gia trực tiếp vào sai lầm chương trình Cải cách Ruộng đất, thay mặt chủ tịch nước đọc bản báo cáo của Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương đảng tại nhà hát lớn Hà Nội, kê khai sai lầm và phát động chiến dịch sửa sai, phục hồi các chức vụ tài sản cho cán bộ, bộ đội bị đấu tố.

Theo tổng kê đến tháng 9 năm 1957, thì chiến dịch sửa sai đã phục hồi danh dự và trả lại tài khoảng 70-80% số người bị kết án. Theo báo Nhân Dân thì bản thân chiến dịch sửa sai cũng gây thêm chết chóc khi những người được phục hồi trả thù những người đã đấu tố họ oan ức, hoặc chưa kịp trả thù thị bị thủ tiêu trước để tránh việc trả thù.

Phong trào trả thù lan rộng và biến thành bạo động tại nhiều nơi khiến chính quyền phải điều động quân đội để đánh dẹp. Ở Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, có bản báo cáo ghi nhận 20.000 nông dân dùng gậy gộc gây bạo động khiến chính quyền phải dùng Sư đoàn 324 để tái lập trật tự. Một số gửi thỉnh nguyện thư đến phái đoàn quan sát viên Canada trong Ủy ban Đình chiến, xin di cư vào Nam.

Tuy nhiên, theo một số nhân chứng, có những trường hợp việc sửa sai chỉ đơn thuần là phục hồi đảng tịch, quy lại thành phần (từ địa chủ, phú nông trở lại thành trung nông) chứ không được trả lại tài sản, nhà đất. Đến năm 2004, theo báo Hà Nội Mới, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội mới ra quyết định trợ cấp cho một số trường hợp bị qui sai thành phần và có tài sản bị trưng thu, trưng mua trong thời kì Cải cách Ruộng đất với mức ba triệu đồng một trường hợp.

Các đợt cải cách

Đợt
Thời điểm

Địa bàn

Số xã thực hiện
cải cách uộng đất

Đợt Thí điểm
(25 tháng 12 năm 1953 - 22 tháng 10 năm 1954)

Thái Nguyên

không rõ

Đợt 1
(1 tháng 4 năm 1954 - 15 tháng 1 năm 1955)

Một số các vùng kiểm soát

không rõ

Đợt 2
(23 tháng 10 năm 1954 - 15 tháng 01 năm 1955)

Thái Nguyên

22

Phú Thọ

100

Bắc Giang

22

Thanh Hóa

66

Đợt 3
(18 tháng 02 - 20 tháng 06 năm 1955)

Vĩnh Phúc

65

Phú Thọ

106

Bắc Giang

84

Sơn Tây

22

Thanh Hóa

115

Nghệ An

74

Đợt 4
(27 tháng 06 - 31 tháng 12 năm 1955)

Vĩnh Phúc

111

Phú Thọ

17

Bắc Giang

1

Bắc Ninh

60

Sơn Tây

71

Thanh Hóa

207

Nghệ An

5

Hà Tĩnh

227

Hà Nam

98

Ninh Bình

47

Đợt 5
(25 tháng 12 năm 1955 - 30 tháng 7 năm 1956)

Bắc Ninh

8

Nghệ An

163

Hà Tĩnh

6

Ninh Bình

45

Quảng Bình

118

Vĩnh Linh

21

Hải Dương

217

Hưng Yên

149

Thái Bình

294

 

Những thành tích và sai lầm trong chiến dịch

Thành tích tạm thời

Năm 1953, giữa lúc Quân đội Nhân dân Việt Nam bắt đầu chiếm ưu thế trên chiến trường, cuộc cải cách ban đầu có những kết quả nhất định khi chỉ thực hiện việc tịch thu tài sản, đất đai của những thành phần địa chủ bị kết tội Việt gian (theo Pháp chống Việt Minh) chia cho bần nông, cố nông. Chính việc cải cách này đã góp một phần không nhỏ nâng cao sự ủng hộ của dân chúng để dồn sức cho kháng chiến.

Cuộc cải cách đã phân chia lại đất canh tác một cách công bằng cho đa số nông dân Bắc Bộ. Từ năm 1953 tới 1957, 810.000 hécta ruộng đất ở đồng bằng và trung du miền Bắc đã được chia cho 2 triệu hộ nông dân, chiếm khoảng 72,8% số hộ nông dân ở miền Bắc. Trong khi đó, phân bố ruộng đất miền Bắc trước năm 1945, chỉ có 4% dân số đã chiếm hữu tới 24,5% tổng số ruộng đất.

Quyền tư hữu ruộng đất của nông dân tuy vậy chỉ được tạm thời vì sau đó năm 1958, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản quyết định rằng tập thể hóa là mục tiêu phát triển nông thôn. Hiến pháp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1959 kế tiếp hợp thức hóa chính sách đó và xóa bỏ quyền sở hữu ruộng đất tư nhân và thay vào đó là quyền sở hữu tập thể. Đất đai dần tập trung vào tay Nhà Nước qua việc thành lập những hợp tác xã do chính phủ quản lý. Nhà nông bị ép buộc gia nhập hợp tác xã nên đến năm 1960, 86% dân quê ở Miền Bắc đã vào hợp tác xã. Số liệu đó tăng lên thành 95,5% vào năm 1970.[13] Khi Hiến pháp Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980 được soạn ra thì quyền tư hữu ruộng đất của nông dân hoàn toàn biến mất, quyền sở hữu đất trên toàn cõi đất nước thuộc về Nhà nước. Cuộc cải cách ruộng đất của thập niên 1950 theo quá trình trên thì chính quyền phát đất cho nông dân một lần nhưng thu hồi hai lần; một lần bán chính thức qua dạng hợp tác xã, lần sau qua quốc hữu hóa toàn diện.

Hồ Chí Minh trong lá thư gửi “đồng bào nông thôn” ngày đề ngày 18 tháng 8 năm 1956, xác định cải cách ruộng đất là “một thắng lợi vô cùng to lớn” và “có thắng lợi này là nhờ Đảng và Chính phủ ta có chính sách đúng đắn”. “Cải cách ruộng đất là một cuộc đấu tranh giai cấp chống phong kiến, một cuộc cách mạng long trời lở đất, quyết liệt gay go"

Sai lầm chung

Đánh giá sai lầm về tình hình khác biệt giữa nông thôn Trung Quốc và Việt Nam, quá tin tưởng và chịu sức ép của các cố vấn Trung Quốc.

So sánh mục tiêu và phương tiện thì phương pháp đấu tố và truất hữu quá cứng rắn khi mà nghiên cứu của Liên Xô tính rằng địa chủ trung bình ở miền Bắc chỉ sở hữu 0,65 hécta đất, một diện tích khá nhỏ so với mức của thế giới.

Yếu tố bạo lực có nguồn gốc bột phát từ hận thù giai cấp và cá nhân đã được tích lũy bao đời nay trên những cánh đồng lúa. Địa chủ trở thành chỗ cho dân nghèo trút cơn giận dữ vì cuộc sống khó khăn của họ, số khác thì vì ghen tức với tài sản của địa chủ. Cộng với trình độ nhận thức thấp của đa số cán bộ cấp xã thời bấy giờ, dẫn tới nhiều trường hợp oan sai, lợi dụng trả thù cá nhân, và các hành vi bạo lực trong các cuộc đấu tố. Theo đánh giá của William Duiker, hậu quả của những hành động này nhiều khi rất bi thảm, nhưng có thể nhìn nhận như những "sản phẩm phụ" không thể tránh khỏi của bất cứ cuộc cách mạng nào (tương tự như làn sóng tàn sát giới tăng lữ nhà thờ của người dân Pháp trong cuộc Cách mạng Pháp 1789).

Đánh giá sai và nâng sản lượng, nâng thuế lên quá cao, quá sức người dân. Như ở Hà Tĩnh, có những mẫu ruộng tính sản lượng là 32-35 tạ một mẫu ta. Khá nhiều ruộng tốt được tính sản lượng ít nhất phải 25-28 tạ. Trong khi đó như ở Liên Xô, theo ông Đặng Thái Mai: "ở Liên Xô cũng mới trù tính việc tăng năng suất các miền ruộng có thủy lợi (terres-irriguées) cho đến mức 40-50 tạ một hecta. Như vậy là với phương tiện kỹ thuật, nhân công, tổ chức của nông nghiệp Liên Xô, mà trong 4 năm nữa người ta mới yêu cầu tới mức 20 hay 25 tạ nửa hecta, nghĩa là còn hơn một mẫu ta..."

Chiến dịch càng lên cao điểm càng mất kiểm soát dẫn đến tình trạng vô chính phủ, nhiều oan sai và cô lập, đối xử nhục hình với gia đình người bị đấu tố. Hơn 70% người bị quy vào thành phần địa chủ và phú nông là quy sai. Điển hình như:Ngoài việc tịch thu nhà đất của những người bị quy là địa chủ và chia đều cho nông dân, những mục đích khác của chiến dịch không đạt được. Kết quả sản xuất sau cuộc cải cách ruộng đất lại không như người nông dân mong đợi khi vụ mùa năm 1957 được đánh giá là thất thu.

Trường hợp tử hình bà Nguyễn Thị Năm, chủ hiệu Cát Thanh Long ở Hà Nội, mẹ nuôi của Lê Đức Thọ, Phạm Văn ĐồngTrường Chinh, có con trai một là trung đoàn trưởng một trung đoàn của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong "Tuần Lễ Vàng", gia đình bà cũng đã hiến 100 lạng vàng cho chính quyền mới thành lập.
Trường hợp Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308, nguyên Tư lệnh Mặt trận Hà Nội năm 1946, Chủ tịch Ủy ban Quân quản Hà Nội bị các cán bộ cải cách bắt ở ngoại thành Hà Nội vì có người đấu tố ông là "địa chủ, có xuất thân là tư sản, lập trường chính trị không rõ ràng".
Các cháu nội của cụ Phan Bội Châu, trong đó có một người là trung đội trưởng, nhà nghèo, 3 sào đất cho 3 mẹ con, nhưng cũng bị quy là địa chủ.
Đặc biệt, cụ Phó bảng Đặng Văn Hướng, Bộ trưởng phụ trách Thanh - Nghệ - Tĩnh của Chính phủ bị đấu tố chết tại quê nhà Diễn Châu.

Sai lầm trên phương diện pháp lý

Theo bài diễn văn luật sư Nguyễn Mạnh Tường đọc tại cuộc họp Mặt trận Tổ quốc ở Hà Nội ngày 30 tháng Mười 1956, cuộc cải cách ruộng đất được thực hiện với phương châm "thà chết 10 người oan còn hơn để sót một địch"; phương châm này đi ngược lại với quy tắc cơ bản của pháp luật, trong trường hợp này là "thà 10 địch sót còn hơn một người bị kết án oan". Cụ thể các quy tắc pháp lý đã bị xâm phạm là:

Không xử phạt các tội đã phạm quá lâu đến hiện tại mới điều tra ra.

Trách nhiệm của phạm nhân thì chỉ một mình phạm nhân chịu, không quy kết cho vợ con, gia đình.

Muốn kết án một người phải có bằng chứng xác đáng.

Thủ tục điều tra, xét xử phải bảo đảm quyền lợi của bị can. Bị can có quyền nhờ luật sư bào chữa. Phải tôn trọng bị can trong quá trình truy tố và xét xử; khi bị can ra trước tòa không được xiềng xích và không được dùng nhục hình.

Các nguyên nhân sai lầm được cho là: quan điểm ta-địch, thù-bạn của chính quyền đương nhiệm rất mơ hồ; chính quyền bất chấp pháp luật, lấy chính trị lấn át pháp lý; bất chấp ý kiến của giới chuyên môn.

Số người bị đấu tố

Tổng cộng chiến dịch Giảm tô tịch thu của địa chủ, phú nông 31.110 tấn thóc tô, 15.475 ha ruộng, 8.246 trâu bò. Tổng cộng chiến dịch Cải cách ruộng đất tịch thu của địa chủ 810.000 ha ruộng, 106.448 trâu bò, 1.846.000 nông cụ, 148.565 ngôi nhà. Số tài sản này được phân chia cho 2.104.138 hộ bần nông, trung bình mỗi hộ được 0,38 ha, 0,87 nông cụ, 0,071 ngôi nhà.

Số lượng người bị giết trong chương trình Cái cách ruộng đất là không thể thống kê chính xác và còn gây tranh cãi. Nhưng theo chủ trương ở một số địa phương phải tìm cho ra tỷ lệ 5% địa chủ, "Việt gian" để mang ra đấu tố thì con số sẽ không ít.

Theo nhiều nguồn tin khác nhau, số lượng người bị giết dao động khá lớn:

Theo tuần báo Time ngày 1 tháng 7 năm 1957 thì khoảng 15.000 người bị xử tử.

Theo Gareth Porter: từ 800 đến 2.500; theo Edwin E. Moise (sau một công cuộc nghiên cứu sâu rộng hơn): vào khoảng 5.000; theo giáo sư sử học James P. Harrison: vào khoảng 1.500 cộng với 1.500 bị cầm tù.

Vũ Thư Hiên cho rằng con số nạn nhân là ít hơn con số 15.000 dẫn ở trên rất nhiều, tuy vậy ông chỉ có thể ước tính, chứ không có số liệu hoặc tài liệu nào cụ thể:

"Người ta thường nói tới con số khoảng 15.000 người. Tôi nghĩ con số có thổi phồng. Trong tài liệu của Bernard Fall và Wesley Fishel con số còn được đẩy tới 50.000. Nếu tính tổng số xã đã cải cách ruộng đất là khoảng 3.000, mỗi xã có trung bình một hoặc hai người bị bắn, bị bức tử, bị hãm cho chết đói, (những xã có số người bị bắn lên tới ba hoặc bốn rất ít gặp, có những xã không có ai bị) thì số người chết oan (kể cả trong Chỉnh đốn Tổ chức, tính cả người bị bức tử) nằm trong khoảng từ 4.000 đến 5.000 người. Nói chung, đó cũng là đoán phỏng. Chẳng bao giờ chúng ta biết được con số chính xác nếu không có một cuộc điều tra khoa học." [cần dẫn nguồn]

Theo giáo sư Lê Xuân Khoa thì cuộc cải cách ruộng đất là một trong ba nguyên nhân chính đưa đến cuộc di tản 1954. Ngoài ra, ông nhận định lượng lúa gạo sản xuất ở đồng bằng sông Hồng đã bị giảm sút trong 2 năm cải cách ruộng đất và 1 năm sau đó.

Ý kiến và nhận định riêng

Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã nói về tình cảnh oan sai như sau, trong diễn văn đọc trước Mặt Trận Tổ Quốc, ngày 30 tháng 10 năm 1956 tại Hà Nội:

Qua cuộc Cải cách ruộng đất ta thấy bao nhiêu các chiến sĩ cách mạng thành tích lộng lẫy, có người ngực gắn tới hai huy chương kháng chiến bị kết án là phản động, cường hào gian ác và, sau khi nhận tội, bị tống giam hay bị hành hình. [...] Trong cuộc kháng chiến anh dũng của ta, những đồng bào đã hi sinh, có thể nói được, chết với trong lòng chan chứa nỗi vui sướng vì chết cho sự nghiệp giải phóng dân tộc khỏi nanh vuốt của địch. Họ chết vì địch, cho ta, đó là cái chết tích cực, cái chết vẻ vang, cái chết oanh liệt mà Tổ quốc ghi nhớ muôn thuở. Trái lại, các người chết oan vì các sai lầm trong cuộc Cải cách ruộng đất này, lúc tắt thở, cay đắng đau xót vì chết với một ô danh. Chúng ta đã xoá bỏ cái ô danh đó, nhưng con cháu của các nạn nhân tài nào mà không ngậm ngùi? Đau đớn hơn, bây giờ ta làm thế nào mà biến cái khổ cực của người tắt thở thành một niềm an ủi cho họ được?

Năm 2005, nguyên Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt nhìn nhận:

Trong các chiến dịch cải cách ruộng đất và cải tạo công thương nghiệp, nhiều nhân sĩ yêu nước, nhiều nhà kinh doanh có công với cách mạng đã không được coi như bạn nữa, gây những tổn thất lớn về chính trị và kinh tế.

------------------------------------------------------------

Tham khảo

Lịch Sử Việt Nam, 1954-1965, Cao Văn Lượng chủ biên, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1995.

Đại Cương Lịch Sử Việt Nam, 1945-2000 tập III, Lê Mậu Hãn chủ biên, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 2000.

Góp phần tìm hiểu Lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam PGS TS Nguyễn Trọng Phúc chủ biên, Nxb Chính Trị Quốc Gia: Viện Lịch sử Đảng, Học Viên Chính trị Quốc Gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2002.

Việt Nam, 1945-1995 tập I, GS Lê Xuân Khoa, Nxb Tiên Rồng, Maryland, 2004.

Qua Những Sai Lầm Trong Cải Cách Ruộng Đất, Xây Dựng Quan Điểm Lãnh Đạo, LS Nguyễn Mạnh Tường, diễn văn đọc trước Mặt Trận Tổ Quốc, ngày 30 tháng Mười 1956 tại Hà Nội.

The Viet Minh Regime, Government and Administration in the Democratic Republic of Vietnam, Bernard Fall, Greenwood Press, Connecticut, 1975.

 

 

Hình Ảnh Mới Nhất

  • Hun-luyn-s-dng-CCHT-2.JPG
  • IMG_0167.JPG
  • IMG_0195.JPG
  • IMG_0213.JPG
  • IMG_0417.JPG
  • Thiu-t-v-s-Thiu-Ngc-Sn-2.jpg
  • Thy--Vng.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-11.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-Sn-5.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-Sn-15.JPG
  • Vng-2.JPG