Án Giang Hồ - Hồ Sơ Lật Lại
Chiến dịch truy lùng 2 tử tù vượt ngục Hỏa Lò...
Thiều gia giản giới: Trong lịch sử hình pháp Việt Nam xưa nay có rất nhiều loại tù (kêu theo kiểu của Thiều gia) giả như tù Kinh tế (những người phạm tội về kinh tế), tù Chính trị (người có hành vi chống đối hoặc bất đồng chánh kiến với giai cấp cầm quyền), tù Hình sự, tù Khổ sai, tù Lưu đày, tù quản thúc… toàn là những loại tù "nguy hiểm" (không thế sao bị tù), thế nhưng trong cái đám tù nhân nguy hiểm đó, đáng sợ nhất, hãi nhất vẫn là cái đám tù Hình sự.
Pháp luật Việt Nam quy định, việc qui án kết tội là việc làm của các cơ quan chức năng, cơ quan được giao tiến hành tố tụng còn việc phủi tay, chối tội lại là quyền của các “bị can, bị cáo – Đ.10, Bộ luật TTHSVN”. Cũng chính vì lý do này mà việc thu gom, truy bắt tội phạm là việc làm của các cơ quan bảo vệ pháp luật, còn việc đào tường trốn chạy lại là việc của các phạm nhân, nhất là các loại tội phạm phạm vào loại tội thứ bốn (đệ tứ tội - phạm tội Đặc biệt nghiêm trọng) và những kẻ bị pháp luật kêu án gần sát với đường dzày xe lửa hoặc kịch kim đồng hồ.
Đào tường, thông cung, trốn trại nhằm giảm khung hình phạt, rũ bỏ tội lỗi, trốn tránh pháp luật là suy nghĩ đầu tiên, là mong ước và là việc làm của bất kỳ loại tội phạm nào, đặc biệt là những kẻ mang trọng án “cướp – giết”.
Lịch sử hình pháp Việt Nam rất hiếm khi xảy ra những vụ đào tường trốn trại (?) Thế nhưng, đã không xảy ra thì thôi chứ xảy ra lại là những vụ “vượt tù” mang tính kinh điển, nổi đình nổi đám, với qui mô lớn cùng với sự tham gia của rất đông người, nhất là người của cơ quan cai quản; nhiều tình tiết ly kỳ, hấp dẫn, bất ngờ… thậm chí là không thể nào tin được (!?). Đây là bài học sâu sắc cho các Giám thị, các vị Cai tù và của cả hệ thống các cơ quan hình pháp Việt Nam.
Dưới đây, Thiều gia xin được đăng tải lại hai vụ “Vượt Tù” của những kẻ tội đồ được coi là nguy hiểm bậc nhất ấy, một ở Phương Nam, một ở trời Bắc nhưng mang nhiều tình tiết gay cấn, hồi hộp, hấp dẫn như đã nói ở trên kia.
Xin trân trọng giới thiệu đến mọi người.
Vào đêm 28/10/2001, tại Hỏa Lò mới (tên dân dã thường gọi của Trại tạm giam Hà Nội ở xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm để phân biệt với Hỏa Lò cũ nằm trên phố Hỏa Lò, quận Hoàn Kiếm) đã xảy ra một vụ việc động trời. Cùng lúc, hai tử tù trong cùng một kiên giam, đã cưa cùm, phá khóa xà lim, vượt qua tất cả các hàng rào canh giữ nghiêm ngặt nhất của trại giam trốn thoát. Đây là vụ trốn tù nguy hiểm nhất trong lịch sử của Trại Hỏa lò mới từ trước đến nay.
Nhưng, chỉ 17 ngày sau, bằng tất cả những nỗ lực cao nhất của các lực lượng thuộc Công an Hà Nội, cả hai tên tử tù đã bị bắt lại khi chúng chưa kịp gây thêm một tội ác nào khác. Cho dù, Công an Hà Nội không coi đó là chiến công mà là một việc phải làm vì danh dự của Công an Hà Nội và vì sự nghiêm minh của pháp luật. Nhưng, cuộc truy lùng hết sức mưu trí và gian khổ của 500 CBCS thuộc Công an Hà Nội trong chiến dịch đặc biệt 17 ngày đêm này đã là một minh chứng sinh động về trí thông minh và lòng quả cảm…
Cuộc sống bất thường ở khu biệt giam
Cũng giống như tất cả các trại tạm giam khác, Trại Hỏa Lò mới cũng có một khu giam riêng dành cho các bị án tử hình. Phạm nhân ở các buồng giam chung, sau khi bị Tòa tuyên án tử hình sẽ phải chuyển vào giam giữ tại khu giam riêng này trong suốt thời gian chờ xét xử phúc thẩm và chờ thi hành án.
Khác với các buồng giam chung thường có tới vài chục phạm nhân, tại các buồng giam riêng thường chỉ có tối đa là 2 bị án tử hình. Mỗi buồng giam riêng rộng chừng 7-8m2, có một cửa thông gió ở phía trên, dưới sàn gồm hai chiếc "giường" cho tử tù là hai bệ xi măng, bồn chứa nước sạch để tử tù tắm rửa và khu vệ sinh. Tử tù sẽ bị cùm một chân bởi một chiếc cùm lắp ở phía cuối "giường". Các phạm nhân tự giác sẽ giúp các tử tù mọi việc liên quan đến ăn uống, vệ sinh hàng ngày ở buồng giam. Các tử tù cũng được hưởng chế độ thăm nuôi, nhận quà tiếp tế của gia đình, gặp mặt gia đình như những phạm nhân bình thường khác.
Thế nhưng, cuộc sống ở các khu biệt giam thì lại rất khác thường. Khi bản án tử hình được tuyên ấy là khi cái chết đã được định đoạt đối với các tử tù. Câu nói của cổ nhân: "Sinh có hạn, tử bất kỳ" đúng với tất cả những con người bình thường của nhân gian, ngoại trừ các tử tù. Bởi, với họ, cái chết đã được báo trước. Ở trại giam, các tù thường phạm thường gọi tử tù là "ma sống"...
Thế nên, những ngày đợi chờ ra pháp trường là những ngày mà các tử tù sống một cuộc sống khác. Cuộc sống mà ở đó, sự sợ hãi đến hoảng loạn đã khiến tất cả họ đều trở nên bất bình thường. Khi cái chết càng đến gần là khi niềm tiếc đời, là khi khát vọng sống càng trở nên mãnh liệt, khiến cho tất cả mọi trạng thái cảm xúc đều dường như được đẩy đến đỉnh điểm, đôi khi đến mức điên loạn.
Có tử tù nhớ người yêu, đêm nào cũng tỏ tình, cũng vuốt ve, mơn trớn bằng... lời. Bà trùm ma túy Nguyễn Thị Thơm, có nhiều đêm nhớ người tình quá, lồng lộn gào thét làm mất trật tự khu giam, cán bộ quản giáo phải nhắc nhở, giáo dục nhiều lần Thơm mới thôi... Ngày sinh nhật của người tình, ở trong buồng giam, Thơm đã làm một tấm thiệp rất đẹp, trang trí rất nhiều hoa văn, màu sắc rực rỡ bằng cách xé dán vỏ mì tôm, vỏ hộp sữa, vỏ bánh để tặng. Thơm còn sáng tác một bài hát bằng tiếng Trung và làm thơ gửi cho người yêu với những lời lẽ tha thiết, nồng nàn: "Mình ơi, hôm nay là sinh nhật mình, em chẳng biết làm thế nào để đến bên mình được. Em chỉ biết ngồi khóc và làm tấm thiệp này, bao nhiêu nỗi nhớ và tình yêu em dành trọn trong tấm thiệp".
Nguyễn Văn Thân và Nguyễn Hải Nam
Có những tử tù ngủ thì thôi chứ cứ hễ thức là bắt đầu gào thét chửi rủa những người có tư thù với mình đang giam ở các buồng giam khác hoặc đang còn ở ngoài xã hội mãi tít tận đẩu tận đâu. Có tử tù không chửi rủa mà chỉ la hét kêu oan, có khi vừa mới chối tội rồi lại xin được chết để đền tội. Có một nữ tù người Hà Nội phạm tội lừa đảo. Chồng cũng phạm tội cùng với vợ và bị kết án chung thân. Chị ta còn mẹ già và hai đứa con. Đêm nào nữ tử tù này cũng khóc mẹ và lạy hai con tha tội cho mình vì bản thân đã không làm tròn bổn phận.
Có tử tù vừa cười nói vui vẻ bỗng ôm mặt khóc hu hu như một đứa trẻ. Có khi lại vô cớ trút giận dữ bực tức cả vào quản giáo - những người duy nhất phải tiếp xúc thường xuyên với các tử tù. Có tử tù vì lý do nào đó gia đình bỗng dưng không gửi đồ tiếp tế nữa thế là tử tù này cứ nhằm vào quản giáo mà chửi, cho rằng quản giáo đã cắt tiếp tế của mình. Người quản giáo giải thích thế nào tử tù này cũng không nghe. Một thời gian sau, chắc là cơn bất ổn về thần kinh đã qua, tử tù này lại chắp tay xin lỗi quản giáo.
Có tử tù chẳng ốm đau gì, vừa mới hát ông ổng lại gào lên kêu cứu làm các đồng chí quản giáo suốt đêm nhấp nhổm không yên. Còn chuyện tử tù nổi cơn khùng hắt cả bô nước tiểu vào người quản giáo và các phạm nhân phục vụ thì đã xảy ra ở nhiều trại giam. Một quản giáo có thâm niên làm công tác quản lý tử tù tại Trại giam Hà Nội đã nói về sự khác thường ấy bằng một định nghĩa rất vần điệu rằng: "Tử tù là sáng nắng, chiều mưa, trưa giở mặt". Thế nên, ở trong Trại giam, bộ phận CBCS làm nhiệm vụ trông coi tù tử hình là vất vả nhất.
Sự cố kinh hoàng trong đêm mưa
Chiều 27/10/2001, trời đột ngột chuyển gió mùa đông bắc. Cái lạnh đầu mùa trở nên tê tái hơn khi đêm ấy trời lại đổ mưa. 21 giờ, các CBCS làm nhiệm vụ trực ca đêm, trong tua kiểm tra thấy khu giam riêng không có gì bất thường. Các xà lim vẫn im ắng. Phòng tử tù nào cũng đều đã buông màn...
Nhưng nửa đêm về sáng, trong cơn mưa, người ta nghe thấy một tiếng rầm trong khu trại lẫn trong tiếng mưa xối xả. Để rồi, sớm hôm sau, khi hết ca trực trở về, một chiến sĩ cảnh sát bảo vệ khi đi ngang qua khu vực tường rào bảo vệ của trại đã chứng kiến một cảnh tượng bất thường. Tại bức tường thành ngăn cách giữa khu vực trại tạm giam và bên ngoài có một cây cầu tự tạo đã được bắc lên trên dây điện trần bảo vệ tường thành. Cây cầu này được tạo bởi 4 cây gỗ tròn được buộc nối vào nhau. Một đầu cầu được buộc với một cây keo (cây keo này nằm cách bức tường thành khoảng 5 mét), đầu kia thì bắc lên trên dây điện trần trên bức tường thành. Hai chiếc chăn - một chiếc chăn dạ, một vỏ chăn hoa - vẫn phủ chình ình lên hàng dây điện trần. Ngần ấy thứ để lại ở khu vực này đã cho thấy có dấu hiệu của một vụ trốn trại vừa được thực hiện trong đêm.
Nguồn tin trên lập tức được cấp báo về Ban giám thị. Ngay tức thì trại phát lệnh báo động toàn trại. Lúc đó là 6 giờ sáng.
Tử tù trong khu biệt giam
Toàn bộ trại và các khu vực lân cận được bao vây, chốt chặn để phục vụ cho công tác truy bắt. Tất cả các khu vực giam chung và giam riêng đều được kiểm tra.
Và, kết quả thật là sửng sốt: tại xà lim 3K3, có hai chiếc màn vẫn buông nhưng người thì đã biệt tăm biệt tích. Hai nam tử tù bị giam tại đây đã trốn thoát. Trong buồng biệt giam, chúng vẫn để lại ngổn ngang những đồ đạc mà sau này nhiều thứ trong đó đã được giám định chính là công cụ bọn chúng dùng để cưa xiềng, phá khóa. Như 1 chiếc cưa tự tạo có gắn một dao lam ở giữa buộc giằng hai đầu có mẩu nhựa màu vàng dài 5 cm; toàn bộ cưa tự tạo được buộc vào thanh nứa dài 15cm. Như một gương nhỏ hình bán nguyệt được gắn vào bàn chải đánh răng màu xanh - trắng. Như một miếng gạch men hình ngũ giác độ dài nhất 4cm, ngắn nhất 1,5cm mặt trên màu vàng, mặt dưới màu đen bị lõm...
Thiếu tướng Phạm Chuyên, nguyên Giám đốc CATP. Hà Nội
Hai chiếc cùm chân ở phía cuối bệ nằm của tử tù cũng đều đã bị mài lõm ở móng cùm đến độ có thể... rút được chân ra mà không cần mở khóa. Bốn đoạn thanh chấn song sắt ở trên ô cửa thông gió cũng đã bị cưa đứt, tạo thành một lỗ hổng lớn, đủ cho một người chui qua. Đó là ở phía bên trong xà lim. Còn ở phía bên ngoài xà lim thì 2 song sắt bên trái của cửa sổ tường rào của buồng giam 3K3 cũng đã bị cưa đứt và bẻ quặt vào phía trong tạo thành một lỗ hổng đủ cho một người chui qua. Ở hành lang phía sau khu K3, khóa treo cửa sắt ở hành lang và cửa sắt thông qua khu giam chẵn cũng đã bị phá.
Lịch sử các vụ trốn tù từ trước tới nay ở nhiều trại giam đã cho thấy, phạm nhân đã phải vào tù, khi mà sự tự do chỉ còn là khát vọng thì việc thèm trốn trại cũng là điều dễ hiểu. Thậm chí, có những kẻ quanh năm suốt tháng chỉ nung nấu ý định trốn trại. Trong một lần lên Trại giam Tân Lập, tôi đã gặp tận mặt một kẻ như thế. Đó là Nguyễn Văn Tám, quê ở Phù Ninh, Phú Thọ.
Chỉ trong vòng 3 năm từ 1989 đến 1993, Tám đã trốn trại tổng cộng 3 lần. Lần cuối cùng, trốn lâu nhất được những 5 năm và phiêu bạt từ Trại Vĩnh Quang (Yên Bái ) tới mãi TP HCM mới bị bắt. Đã có hàng trăm nghìn mưu ma chước quỉ được phạm nhân sử dụng để trốn trại. Trong những điều kiện giam giữ ngặt nghèo các phạm nhân đã nghĩ ra nhiều cách phá cùm, khoét tường... bằng những phương tiện cực kỳ đơn giản mà nếu không có những thực nghiệm điều tra nghiêm túc, thì không ai có thể tin là thật.
Tại Trại giam Tân Lập, năm 1997, cũng vào một đêm mưa gió, 11 phạm nhân án nặng đã trốn trại. Khám hiện trường, thấy một đám tường, thoạt trông tưởng vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng khi quan sát kỹ mới phát hiện thấy có một mảng ve tường có vẻ hơi dầy lên. Sờ tay vào mới tá hỏa hóa ra chỉ là một mảnh giấy được trát ve màu vàng y hệt như màu tường và được dán một cách rất khéo léo. Lật tiếp đám giấy thì lộ ra một mảng tường to đủ một người chui lọt với những viên gạch vẫn được xếp ngay ngắn, chỉ có điều chẳng còn tí vữa nào.
Mãi mấy tháng sau, khi bắt được hết đám tù trốn trại này, chúng khai đào được mảng tường ấy chỉ nhờ có mỗi một dụng cụ cực kỳ thô sơ là... chiếc đinh 5 cm. Sau khi mang được đinh vào phòng giam, đám tù này hàng đêm thay nhau đào cho hết lớp vữa trát. Sau rồi, cứ thế theo mạch vữa quanh viên gạch mà cạy cho tới khi từng viên gạch chẳng còn tí vữa nào thì chỉ việc lấy tay mà kéo ra. Suốt mấy tháng trời, để che mắt quản giáo, chúng lấy tờ giấy đã bôi đất cho có màu giống màu tường che bên ngoài nên bình thường không ai phát hiện ra.
Có những kẻ trốn trại bằng chiêu chịu khổ còn hơn cả "nếm mật nằm gai". Chúng chui xuống hầm cầu nhà vệ sinh, ngâm mình trong thùng phân, chỉ nhô mỗi cái lỗ mũi lên để thở và che bằng một miếng giấy.
Lại có kẻ khi đi trồng chuối nghĩ ra trò quái đản để trốn trại là đào hố vừa người nằm rồi nằm xuống và nhờ bạn tù lấp đất lên, sau đó phủ một lớp rác lên "đống đất", nằm chờ lúc thuận lợi sẽ bùng.
Có kẻ khi đi lao động, giả vờ xin quản giáo cho lên đồi đi vệ sinh, thế rồi chọn nơi nào có bụi cây ngồi xuống. Quản giáo đứng dưới nhìn lên vẫn thấy cái mũ đung đưa tưởng phạm vẫn đang làm "việc ấy". Sau rồi, đợi mãi vẫn chưa thấy xong đành leo lên tận nơi xem thì mũ còn đậu trên ngọn cây, gió vẫn thổi cây rung rinh khiến mũ vẫn đung đưa nhưng người thì đã biến mất.
Có kẻ đổ nước muối ủ vào chấn song cửa cho mục ra rồi dùng dây vải xé ra từ quần áo tù mà cò cưa hết ngày này qua tháng khác cuối cùng cũng đứt.
Tướng cướp Điền Khắc Kim - một tay siêu vượt ngục
Lại có vụ, chỉ với một chiếc dây đàn ghi ta bé xíu, mỏng manh, thế mà, ngày này qua tháng khác, phạm nhân cũng cưa đứt cả cùm chân trốn thoát.
Trở lại câu chuyện của vụ hai tử tù vượt ngục tại Trại Hỏa Lò mới. Ngay sau khi lệnh báo động toàn Trại được phát ra, tin dữ trên cũng đã được cấp báo về Công an TP Hà Nội. 7h sáng, Giám đốc Công an TP Hà Nội thời bấy giờ - Thiếu tướng Phạm Chuyên - cũng đã có mặt tại Trại Hỏa Lò mới. Ông được đưa xuống hiện trường, tận mắt xem xét tất cả trước khi bắt đầu một cuộc họp khẩn cấp với Ban Giám thị Trại. Thiếu tướng cho phép các đồng chí trong Ban Giám thị được trình bày nhưng không ai nói thêm được điều gì. Không khí nặng nề bao trùm lên tất cả.
Tên tuổi 2 tử tù đào tẩu giờ phút này cũng đã được xác định chính xác. Hai tập hồ sơ dày cộp mang tên Nguyễn Văn Thân, tức Thân "rau muống" và Nguyễn Hải Nam, tức Nam "cu Chính" đã được rút ra từ kho hồ sơ lưu trữ của tử tù. Từng trang hồ sơ ố vàng lại được lần giở, lật lại nghiên cứu. Hóa ra, cả hai kẻ tử tù đào tẩu trong đêm mưa ấy đều có những số phận riêng, cực kỳ đặc biệt...
Thứ Ba, 09/03/2010 - 8:45 PM
"Liên minh" trong xà lim án tử
Sau khi đã rút được chân ra khỏi móng cùm, hàng đêm, Thân leo lên cửa thông gió rồi dùng lưỡi dao lam để cưa song sắt cửa thông gió. Sau 2 tháng thì Thân đã cưa xong 4 đoạn song sắt để tạo thành 1 lỗ hổng đủ chui qua. Để rồi, sau đó đêm đêm, Thân tiếp tục chui qua cửa thông gió ra gian ngoài của xà lim dùng dao lam cưa tiếp hai song sắt bên trái cửa sổ tường rào của buồng giam.
Ván bạc định mệnh
Đầu tháng 3/2000, buồng biệt giam số 3K3 Trại Hỏa Lò mới có "chủ nhân". Nguyễn Văn Thân, biệt danh Thân "rau muống", được đưa về đây ngay sau khi bị Tòa sơ thẩm Tòa án Nhân dân TP Hà Nội tuyên án tử hình về tội giết người tại phiên tòa diễn ra ngày 29/2/2000.
Sở dĩ Thân được gọi kèm biệt danh “rau muống” vì Thân người cao nhưng gầy gò, trông lòng khòng, da lại đen. Dáng người, khuôn mặt Thân toát lên vẻ lầm lũi, khắc khổ. Thế nhưng, trái với vẻ bề ngoài, Thân là một côn đồ thứ thiệt. Máu côn đồ dường như thấm vào từng đường gân, thớ thịt của hắn.
Là con trai thứ 4 trong một gia đình nông dân nghèo có 5 người con ở thôn Trung Hà, xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây (cũ), Thân chỉ học hết lớp 7 rồi nghỉ ở nhà làm ruộng. Nhưng rồi, không chịu sống yên ở quê, Thân bỏ làng ra đi, phiêu bạt khắp nơi kiếm sống theo các bè buôn gỗ khắp các tỉnh dọc sông Đà như Hòa Bình, Sơn La...
Năm 1992, sau khi tham gia vào một vụ giết người tại Mộc Châu, bị Công an tỉnh Sơn La truy nã, Thân chạy về quê sống một thời gian, sau đó lại tìm đường ra Hà Nội. Do không có trình độ học vấn, cũng chả có nghề nghiệp gì nên Thân cứ sống lang thang, ai thuê gì làm nấy: khi thì làm phụ hồ, lúc chở đất đá thuê... Đầu năm 1995, Thân được thuê đào đường chôn dây điện thoại ở khu vực phường Hạ Đình, Thanh Xuân. Cùng trong tốp công nhân đào đường với Thân còn có Hồng, một người cùng làng với Thân. Trong quá trình làm tại đây, Thân và Hồng thường hay la cà ở quán nước của nhà anh Tâm, thường gọi là Tâm “còng” ở phố Hạ Đình.
Đêm 24/4/1995, Thân và Hồng ghé vào quán Tâm "còng" như thường lệ. Thấy trong nhà anh Tâm đang có đám đánh xóc đĩa ăn tiền, vốn sẵn máu mê cờ bạc, Thân rủ Hồng sà vào ngay. Có bao nhiêu tiền làm thuê được, Thân dốc hết vào những ván bài. Đến khoảng gần 2 giờ sáng, sau khi đã thua rất nhiều, Thân, Hồng, Tâm và một thanh niên là Mạc Phi Dũng chơi ván bạc cuối cùng. Lần này, Thân vẫn thua Tâm và Dũng. Nhưng Thân không chịu trả tiền mà phủi quần đứng dậy định bùng. Hai bên xảy ra xô xát. Thân đã vớ con dao nhọn kiểu Thái Lan ở trên bàn bán nước của nhà anh Tâm đâm liền lúc cả Tâm và Dũng. Dù được cấp cứu kịp thời nhưng do vết thương quá nặng nên Tâm đã chết ngay trên đường đi tới bệnh viện, còn Dũng thì may mắn thoát chết.
Sau khi gây án, ngay trong đêm, Thân rủ Hồng chạy đến nhà trọ của một vài người cùng quê cũng ra Hà Nội làm thuê, để xin tiền bỏ trốn. Rạng sáng, sau khi xin được một số tiền, Thân và Hồng đã bắt xe đi Lâm Đồng.
Đến đây, hai tên thuê nhà trọ ở 3 ngày để nghe ngóng tình hình. Không thấy bị truy tìm, Thân bảo Hồng ở lại Lâm Đồng, còn mình thì tiếp tục lên xe đi Bình Phước. Từ đó, hai tên mất liên lạc. Hồng ở lại Lâm Đồng đi vào sâu trong rừng làm rẫy thuê cho các chủ vườn để sinh sống.
Khoảng hơn 2 năm sau, Hồng bất ngờ khi thấy Thân tìm đến. Nghe Thân kể, Hồng mới biết, thì ra trong suốt 2 năm qua, Thân đã tạo được một vỏ bọc khá an toàn tại Bình Phước. Với cái tên mới là Nguyễn Thành Đa, Thân đã đăng ký tạm trú được một cách hợp pháp tại ấp 2 Minh Lập, Bình Long. Thân còn cất được một ngôi nhà nhỏ và vợ Thân là Nguyễn Thị L từ quê cũng đã tìm vào đây sinh sống cùng Thân với cái tên mới là Nguyễn Thị Nhung. Thân sống bằng nghề bốc gỗ thuê cho các chủ buôn bè gỗ. Vợ chồng Thân còn vừa mới sinh thêm được một đứa con. Bà con chòm xóm ở đây không ai biết Thân là đối tượng truy nã.
Vợ Thân, khi Công an Bình Phước gọi hỏi, cũng bịa ra rằng, mình là Nguyễn Thị Nhung, người Bắc nhưng cha mẹ đã chết cả, phiêu bạt vào đây kiếm sống thì gặp chồng là Nguyễn Thành Đa ở một lò gạch tại huyện Bến Cát. Hai người về sống với nhau không hôn thú, không biết cha mẹ chồng ở đâu, chưa gặp anh em nhà chồng bao giờ, chỉ nghe Đa nói cha mẹ ruột ở miền Tây nhưng đã từ mặt Đa từ lâu...
Công an Hà Nội, sau khi anh Tâm bị đâm chết, cũng đã có đủ căn cứ để khẳng định Thân là thủ phạm chính và đã ra lệnh truy nã đặc biệt đối với y về tội giết người. Tuy nhiên do Thân lẩn vào tận trong rừng sâu sinh sống, lại thay tên đổi họ, tạo được vỏ bọc mới nên công tác truy tìm trở nên khó khăn...
Về phần Thân, tuy đã thoát xác thành Nguyễn Thành Đa nhưng bản chất côn đồ hung hãn thì vẫn nguyên như cũ. Dù chỉ đi bốc gỗ thuê nhưng lúc nào Thân cũng giắt theo dao bên mình. Đêm 8/11/1998, trong khi bốc gỗ thuê ở Trảng Hoa Lư, xã Lộc Hóa, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, Thân đã va chạm với một người cùng làm là anh Cao Văn Cường. Sau đó anh Cường đã bỏ đi nhưng Thân vẫn đuổi theo đánh và rút con dao đã thủ sẵn trong người ra đòi đâm anh Cường. Anh Ngọc, một người cùng làm gỗ, thấy vậy đứng ra can ngăn cũng bị Thân rút dao xỉa cho một nhát thấu ngực làm rách màng phổi và cơ hoành.
Gây án xong, Thân bỏ trốn về Chơn Thành nhưng không thoát. Hai ngày sau, Thân bị Công an tỉnh Bình Phước bắt giữ. Tại đây, Thân vẫn một mực khai tên là Nguyễn Thành Đa. Nhưng, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an các tỉnh Bình Phước, Hà Tây (cũ) và Hà Nội đã xác định được Nguyễn Thành Đa chính là Nguyễn Văn Thân, kẻ đã gây ra cái chết cho anh Nguyễn Văn Tâm ở Hạ Đình từ năm 1995 và đang bị Công an TP Hà Nội truy nã về tội giết người.
Vì thế, sau một thời gian giam giữ tại Bình Phước, Nguyễn Văn Thân đã bị di lý ra Hà Nội và Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Bình Phước đã quyết định nhập vụ án Nguyễn Thành Đa đâm trọng thương anh Ngọc ở Bình Phước với vụ án Nguyễn Văn Thân giết anh Tâm ở Hà Nội và chuyển giao toàn bộ hồ sơ vụ việc cho Công an TP Hà Nội xử lý.
Như vậy, trong vòng 6 năm (từ năm 1992 đến 1998), Nguyễn Văn Thân đã tham gia vào 3 vụ giết người (một ở Sơn La, một ở Hà Nội và một ở Bình Phước), trong đó có 2 vụ y là thủ phạm chính. Chính vì bản chất côn đồ, hung hãn, đã gây ra quá nhiều tội ác như vậy nên trong phiên tòa xét xử Nguyễn Văn Thân vào tháng 2/2000, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã tuyên phạt y mức án cao nhất: tử hình.--PageBreak--
“Liên minh” trong xà lim tử hình
Khi Thân đã bị cùm chân trong xà lim tử hình ở Trại Hỏa Lò mới thì Nguyễn Hải Nam tức Nam "cu Chính" đang bị giam tại buồng giam chung 6A vì tội trộm cắp xe máy. Lần đi tù này là lần thứ 5, mặc dù Nam mới có... 28 tuổi.
Sinh năm 1972 trong một gia đình lao động ở xóm Dân Chủ, phường Văn Miếu, Hà Nội, Nam mồ côi mẹ từ nhỏ, sống cùng cha với chị gái và em gái. Là con trai duy nhất trong nhà nên dù kinh tế gia đình không dư giả nhưng Nam vẫn được cha cho ăn học đàng hoàng. Tuy vậy, Nam chỉ học hết lớp 7 là bỏ đi lang thang với đám bạn xấu. 18 tuổi, Nam đã phạm tội trộm cắp nhưng do tuổi còn trẻ lại phạm tội lần đầu nên Nam được Tòa án cho hưởng án treo. Nhưng ngay trong thời gian thụ án, Nam lại tiếp tục đi trộm cắp và lại bị bắt. Lần này, Tòa xử Nam tù giam 24 tháng.
Mãn hạn tù trở về, Nam vẫn không tu tỉnh mà lại tiếp tục phạm tội. Tối 16/7/1992, do mâu thuẫn với anh Nguyễn Hữu Hiếu, Nam đã dùng dao lê đâm anh Hiếu trọng thương ngay tại quán cà phê số 56 Lý Thường Kiệt. Lần này, Nam lại bị Tòa án Nhân dân TP Hà Nội xử phạt 4 năm rưỡi tù giam. Đến năm 1998, vừa ra tù được ít lâu, Nam lại bị bắt vì tội cưỡng đoạt tài sản và lại phải chịu tiếp một bản án 30 tháng tù giam nữa. Chấp hành xong hình phạt được ít lâu, đầu năm 2001, Nam lại đi trộm cắp và bị phạt tiếp 4 năm tù giam.
Lần đi tù thứ 5 này, với bề dày thành tích bất hảo - tiền án nhiều hơn tiền mặt - Nam trở thành một kẻ có máu mặt trong buồng giam số 6A. Nhiều kẻ từng đi tù cùng Nam những lần trước đã kinh khiếp khi chứng kiến sự lỳ lợm của Nam "cu Chính". Có lần, khi cải tạo tại Trại Văn Hòa, Hà Nội, Nam đã tự châm lửa đốt chân mình để được đi trạm xá, khỏi phải lao động. Lại có lần Nam tuyệt thực, nhịn ăn suốt 3 ngày liền với lý do... đau họng cũng với mục đích để trốn lao động. Còn chuyện Nam khà khịa, đánh nhau với các phạm nhân khác thì xảy ra thường xuyên.
Vì thế, lần đi tù thứ 5 này, ở buồng giam chung 6A, Nam là một "đầu gấu " thực sự, các phạm nhân cùng buồng sợ Nam một phép, không ai dám ho he. Chỉ riêng một mình Cao Văn Cường là không sợ. Chiều 29/11/2000, Cường được quản giáo đưa vào nhập buồng 6A. Mặc dù, khi đưa Cường vào, quản giáo đã dặn tất cả các can phạm trong buồng không ai được đánh đập Cường nhưng khi cánh cửa buồng giam vừa khoá lại, thấy bóng người quản giáo đi khuất là Nam bắt đầu màn hành hạ. Nam bắt Cường nằm xuống để cho Nam đánh nhưng Cường không chịu nằm mà xin được ngồi để chịu đòn. Chỉ thế thôi mà Nam, với bản tính côn đồ, hung hãn đã cùng với một số phạm nhân thân tín trong buồng xông vào đánh Cường cho đến chết.
Với tội ác không thể dung tha này, tháng 6/2001, Nam đã bị Tòa án Nhân dân TP Hà Nội tuyên phạt tử hình vì tội giết người. Là tù tử hình, Nam bị đưa vào khu giam riêng và tình cờ được xếp vào nằm chung ở xà lim buồng 3K3 với Nguyễn Văn Thân.
Một kế hoạch vượt ngục hoàn hảo
Nam không biết ý định vượt ngục đã hình thành trong Thân từ bao giờ và Thân đã chuẩn bị ra sao mà chỉ biết rằng, sau vài tháng giam chung, Thân rủ Nam cùng trốn. Tất nhiên là Nam đồng ý bởi đối với những kẻ tử tù như y thì không còn gì để mất.
Lúc này, Nam thấy Thân đã có khá nhiều dụng cụ, như: bánh xe bật lửa, dao lam, 1 mẩu gạch đá men vỡ có mặt dưới là xi măng cát vàng để tạo ma sát... Thân đã lấy khoảng 10 bánh xe bật lửa rồi dùng dây buộc ghép lại tạo thành một chiếc dũa. Với chiếc dũa tự tạo này cộng với mẩu gạch đá men vỡ, đêm đêm Thân nhẫn nại mài cùm chân của chính mình. Mài cùm lõm đến đâu, Thân lại đốt nhựa nóng lên trám đầy vết lõm. Để không phải tháo cùm, tránh sự phát hiện của quản giáo, thời gian này y vờ bịa ra lý do giận gia đình nên không ra gặp mặt. Đồng thời, lấy lý do trái chân, khó chịu nên Thân xin không đổi móng cùm.
Mài khoảng 1 tháng thì độ lõm của cùm đủ để cho Thân rút được chân ra khỏi cùm bất cứ lúc nào mà không cần phải được mở khóa. Trong thời gian Thân hành sự thì Nam có nhiệm vụ hát ông ổng hoặc vỗ thùng nước thật to để át tiếng.
Ngoài ra, khi chuyển quà của gia đình vào buồng giam, quà thường đựng trong các bao tải dứa. Thân đã bảo Nam tỉ mẩn ngồi tước từng sợi bao tải rồi bện lại thành một sợi dây thừng dài khoảng 20m.
Sau khi đã rút được chân ra khỏi móng cùm, hàng đêm, Thân leo lên cửa thông gió rồi dùng lưỡi dao lam để cưa song sắt cửa thông gió. Sau 2 tháng thì Thân đã cưa xong 4 đoạn song sắt để tạo thành 1 lỗ hổng đủ chui qua. Để rồi, sau đó đêm đêm, Thân tiếp tục chui qua cửa thông gió ra gian ngoài của xà lim dùng dao lam cưa tiếp hai song sắt bên trái cửa sổ tường rào của buồng giam. Ở công đoạn này, Nam hầu như không phải giúp sức gì mà chỉ có mỗi một nhiệm vụ là cưa đứt cùm của chính mình bằng lưỡi dao lam do Thân cung cấp. "Công cuộc" cưa cùm, phá cửa bọn chúng kiên nhẫn làm hàng đêm, trong vòng khoảng 4 tháng thì xong. Đến cuối tháng 10/2001 thì tất cả đã hoàn tất, chỉ còn thời cơ thuận lợi là... bùng.
Chiều 27/10, trời đột ngột chuyển gió mùa đông bắc. Đến đêm thì đột ngột đổ mưa. Trong xà lim, gió lạnh luồn vào khe cửa, Thân và Nam nghe rõ mồn một tiếng mưa rơi. Chúng biết đây là thời cơ thuận lợi nhất để vượt ra ngoài và chọn thời điểm trốn là khoảng ngoài 1 giờ sáng, là thời điểm mọi người mệt mỏi nhất, dễ ngủ gật nhất. Thân còn dặn Nam phải nhớ ôm theo mỗi đứa một chiếc vỏ chăn để phủ lên hàng rào dây điện trần ngăn cách Trại với bên ngoài mà bò qua, nếu không thì điện giật chết.
Khoảng 1h30' sáng thì Thân và Nam mỗi tên ôm theo một chiếc chăn chui qua lần lượt cửa thông gió, cửa gian ngoài để ra khỏi buồng giam 3K3. Ngoài hai chiếc chăn, chúng còn không quên mang theo một cưa tự tạo bằng dao lam, sợi dây thừng mà chúng đã kỳ công tết trong xà lim và một thanh sắt hình chữ thập mà chúng đã cưa ở cửa thông gió.
Ra khỏi buồng giam 3K3, chúng tiếp tục dùng thanh sắt hình chữ thập phá thêm một lần khóa nữa để thoát ra khỏi khu vực biệt giam và đi về phía đông nam Trại. Tại đây chúng đã gặp may khi Trại đang xây dựng, có rất nhiều cây gỗ tròn làm giàn giáo và chính những cây gỗ này đã giúp chúng có phương tiện để bắc cầu vượt qua bức tường thành của Trại.
Phát hiện thấy có 1 cây keo trồng cách bức tường thành khoảng 5m, chúng đã dùng dây thừng mang theo nối 4 cây gỗ tròn thành 1 chiếc cầu, bắc 1 đầu lên hàng dây điện trần trên tường thành, một đầu bắc lên cây keo rồi phủ chăn che kín dây điện để bò qua. Khoảng 5 giờ sáng, hai tên đã thoát ra khỏi tường thành, tiếp tục bơi qua một con hào bảo vệ và ao bèo của Trại rồi đi bộ qua một cánh đồng để ra đường 70 xã Xuân Phương huyện Từ Liêm...
Cũng từ thời điểm này, tại Công an Hà Nội, một chiến dịch truy lùng kéo dài 17 ngày đêm với quy mô chưa từng thấy bắt đầu...
Chiến dịch truy lùng 17 ngày đêm
Cuộc truy lùng hai kẻ tử tù vượt ngục là cuộc truy lùng với quy mô lớn chưa từng có của Công an TP Hà Nội. Khoảng 500 CBCS đã được huy động, trong đó có nguyên cả Trung đoàn Cảnh sát cơ động. 60 đầu xe để chở quân được sử dụng hết công suất.
Tất cả các tuyến đường thuỷ, đường bộ, đường không, cửa khẩu có nghi vấn đều được kiểm soát kỹ lưỡng. Công an TP Hà Nội đã cố gắng đến mức cao nhất để bắt lại hai kẻ tử tù này trong thời gian ngắn nhất, khi mà chúng còn chưa kịp trở tay để gây thêm một tội ác nào nữa. Nói như Thiếu tướng Phạm Chuyên, Giám đốc Công an TP Hà Nội lúc bấy giờ: "Đây là việc phải làm vì danh dự của Công an Hà Nội và vì sự nghiêm minh của pháp luật"...
Lần lại hơn 300 mối quan hệ của hai kẻ tử tù...
Tất cả các đơn vị của Công an TP Hà Nội đều được huy động vào cuộc truy lùng đặc biệt này, nhưng lực lượng chủ công được Ban Giám đốc tin tưởng giao phó là hai đơn vị Anh hùng LLVTND là Phòng Cảnh sát hình sự và Phòng Cảnh sát điều tra cũ (nay hai đơn vị này đã được nhập về thành một đầu mối theo Pháp lệnh điều tra hình sự mới). Hai tập hồ sơ dày cộp, xếp chồng lên nhau cao đến cả ngang người, của hai kẻ tử tù, được rút ra khỏi kho hồ sơ lưu trữ để tất cả các điều tra viên, các trinh sát hình sự giỏi nhất của hai đơn vị tinh nhuệ này nghiên cứu.
Kết quả, hơn 300 mối quan hệ của Nguyễn Văn Thân và Nguyễn Hải Nam được dựng lại từ ở Hà Nội, Hà Tây đến Phú Thọ, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình... Các tốp trinh sát hình sự, cứ thế, lặng lẽ lên đường trong cái giá lạnh khắc nghiệt của mùa đông để truy tìm theo dấu vết của hơn 300 mối quan hệ đã được dựng lại đó. Đại tá Nguyễn Đức Bình, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự thời bấy giờ (nay là Phó giám đốc Học viện Cảnh sát) sau này kể lại, nhìn anh em trinh sát vai cõng balô, súng dài, súng ngắn lầm lũi lên đường trong giá rét tái tê mà thấy đắng lòng. Tiền công tác phí eo hẹp, nhiều anh em phải ứng lương hoặc về nhà xin... vợ để có thêm chút kinh phí giắt túi, chống chọi với cơn đói ở nơi rừng thiêng nước độc, vì tất cả đều xác định được đây là một chuyến công tác dài ngày và nhiều nguy hiểm...
Đồng thời với việc lần theo các mối quan hệ của hai kẻ tử tù, một lực lượng trinh sát khác được giao nhiệm vụ áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để dựng lại toàn bộ cuộc trốn chạy của Thân và Nam. Được sự giúp đỡ tích cực của quần chúng nhân dân ở khu vực dân cư xung quanh Trại Hỏa Lò, các trinh sát đã tìm thấy một nhân chứng rất quan trọng. Đó là anh Nguyễn Quang Vinh ở thôn Ngọc Mạnh, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm.
Nhà anh Vinh ở phía sau Trại. Khoảng 6h sáng ngày 28/10, hết ca trông đêm ở hồ cá, anh Vinh đang đạp xe trên đường 70 để về nhà thì gặp Thân và Nam. Anh Vinh không quen biết hai người này và cũng không biết chúng vừa trốn tù. Anh chỉ thấy cả hai đều đi chân đất, người ướt lướt thướt, rét run cầm cập. Người thanh niên cứng tuổi hơn, cao gầy lòng khòng (sau này xác định là tên Thân) hỏi xin đi nhờ xe đạp. Thấy họ ăn vận phong phanh và bị rét nên anh Vinh thương, đồng ý. Anh Vinh đèo Thân còn Nam thì chạy bộ ở đằng sau. Khi đến gần ngã tư Canh thì Thân nhảy xuống. Anh Vinh thấy họ hỏi thuê một chiếc xe ôm, còn đi đâu thì anh không biết.
Tại khu vực ngã tư Canh, các trinh sát cũng không quá khó khăn để tìm ra người lái xe ôm sáng hôm đó là anh Tiệp, một người dân ở xã Xuân Phương. Anh Tiệp cho biết, bọn chúng thuê anh chở đến một ngôi nhà cách chợ Nhổn khoảng 20 mét rồi vào đó lấy tiền ra trả công anh 10 nghìn đồng.
Cũng lúc này, Ban chuyên án nhận được một nguồn tin quý giá. Đó là một mũi trinh sát đã lần ra một người quen biết tên Nam. Người này đã từng bị bắt quả tang khi lén lút giấu heroin vào trong quà tiếp tế để gửi cho tên Nam. Người này cho biết, Nam có một chiến hữu thân cận tên là Hà. Nhà Hà ở Đồng Xuân nhưng nghe nói Hà có mở một quán càphê nhỏ ở Nhổn. Các trinh sát nhận định, rất có thể ngôi nhà cách chợ Nhổn 20m mà hai tên tử tù dừng lại chính là quán café của Hà.
Khi bị công an gọi hỏi, biết là không chối được, Hà đành khai tuốt tuột. Rằng, sáng ấy đang ngủ thì thấy có tiếng gọi. Hà mở cửa thì thấy Nam và một người thanh niên cứng tuổi hơn Nam. Nhận ra chiến hữu, Hà mời hai người vào nhà nhưng họ không vào. Nam xin Hà 10 nghìn để trả tiền xe ôm. Sau đó vay Hà 200 nghìn đồng và nhờ Hà lấy xe máy kẹp ba chở họ xuống một ngôi nhà ở ven đê. Tiếp tục truy tìm, hóa ra đó là nhà của Lê Thị Tuyết ở xã Trung Châu, Đan Phượng, Hà Tây. Đây cũng chính là quê của tên Thân.
Cuộc sống ngoài xà lim của hai kẻ tử tù
Sau này, khi bắt được tên Thân đưa về Phòng Cảnh sát hình sự, câu đầu tiên Thân nói là xin được ăn vì đói quá. Bát phở do lực lượng dẫn giải mua ngay ở bờ hồ Thiền Quang mang về, hắn ăn ngấu nghiến chỉ mươi phút là xong. Còn chai nước Lavie mà Thiếu tướng Phạm Chuyên đưa cho hắn chỉ tu một hơi là cạn sạch. Lại còn cứ nắc nỏm khen ngon quá, ngọt quá vì trong những ngày trốn chạy hắn toàn phải ăn khoai sống và uống nước ruộng nồng nặc mùi... phân. Thân còn bảo, sau khi vượt ngục, biết là về quê sẽ nguy hiểm vì chắc chắn công an sẽ tìm về quê hắn nhưng cũng vì đói quá nên hắn phải về đây, tìm nguồn tiếp tế của người thân rồi mới cao chạy xa bay.
Nguyễn Hải Nam, Nguyễn Văn Thân và bãi ngô nơi Thân, Nam đã ẩn náu.
Thực ra, Tuyết không phải là chỗ ruột rà, thân thiết với Thân nhưng Thân lại chọn nhà Tuyết là điểm về đầu tiên mà không phải là nhà cha mẹ, vợ, hay anh em ruột cũng là vì sợ bị công an đón lõng. Thân chỉ là bạn của chồng Tuyết, người cùng làng, lại cùng lứa, chơi với nhau từ nhỏ. Sau khi được Tuyết cho tiền và quần áo, Thân còn nhờ Tuyết gọi thêm Miến và Tứ (là hai người bạn cùng làng) đến. Hai người này cũng cho thêm Thân một ít tiền và quần áo nữa. Sau đó, Tuyết gọi xe ôm đưa Thân rời quê sang Yên Lạc, Vĩnh Phúc để trốn cho an toàn.
Tại Yên Lạc, trong 3 ngày đầu tiên, Thân và Nam ăn nhờ ở đậu nhà một vài người quen, cho đến trưa ngày thứ 4 thì hai tên mò đến gặp Trần Văn Chinh tại quán thịt chó của con gái Chinh ở xã Trung Hà, Yên Lạc. Chinh không có họ hàng gì với Thân mà chỉ là thông gia của anh trai Thân. Biết Thân vừa mới trốn tù, đang cần tìm nơi ẩn náu, đêm ấy Chinh đã chèo thuyền chở Thân và Nam sang bãi Tân Bồi thuộc xã Trung Châu, Đan Phượng, Hà Tây để về sống trong lều của Chinh.
Mặc dù đã được Chinh cho ẩn náu ở giữa sông nhưng Thân vẫn không yên tâm. Đêm ấy, trong khi Nam sau nhiều ngày sống vạ vật, quá mệt mỏi đã lăn ra ngủ say như chết thì Thân hì hục đào một chiếc hầm ở ngay dưới gầm giường. Mãi đến tảng sáng thì hầm mới đào xong. Thân kéo Nam cùng chui xuống và nhờ Chinh quay vào trong làng xin hộ một ít thức ăn và tiền.
Vì sợ bị phát hiện nên buổi chiều cùng ngày, đợi đến khi lặn mặt trời, Chinh mới dám chèo thuyền trở về lều ở bãi Tân Bồi để gặp Thân đưa cho Thân số tiền 500 nghìn đồng mà Chinh đã xin được của anh trai Thân. Nhưng khi Chinh vừa tới thì Thân và Nam đã leo lên thuyền của ông Thuần cụt, chuẩn bị nhổ neo. Thì ra, Thuần cụt và hai người cùng làng là Kế và Thời khi đi sang bãi Tân Bồi để làm ruộng, thấy công an vây ráp rất đông nên đã vào lều để báo cho Thân nhanh chóng rời khỏi nơi này.
Đến xẩm tối thì thuyền của Thuần cụt cập bến đò Thọ Xuân, thả Thân và Nam ở đó. Thời chạy vào trong làng, mua một ít mì tôm, trứng, đưa cho Thân để làm thức ăn dự trữ. Thân và Nam ôm đống đồ ăn trốn biệt vào trong bãi ngô.
Bãi ngô xã Trung Châu nằm ngay dưới chân đê, diện tích khoảng 5km2, chạy dài hơn 3km. Ngô đang lúc trổ cờ tốt bời bời, từ trên đê trông xuống chỉ thấy một màu xanh ngút tầm mắt. Người đi vào bãi ngô chỉ cách nhau chục mét là không thể nào nhìn thấy được. Suốt đêm ấy và cả ngày hôm sau, hai tên tử tù nằm nấp dưới gốc ngô, ăn mì tôm và trứng luộc, không dám thò mặt lên.
Cuộc vây ráp có một không hai trên bãi ngô
Cùng thời điểm đó, bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát đã xác định được chính xác điểm lẩn trốn của Thân và Nam. Nhưng bãi ngô thì quá rộng nên ngày 3/11 khi cảnh sát đến thì từ xa bọn chúng đã nghe thấy tiếng động và ù té... chạy. Hiện trường chúng để lại là mấy vỏ mì tôm và một đống vỏ trứng.
Cũng do vội vàng tháo chạy mà Thân và Nam lạc nhau. Sinh ra ở Hà Nội, không thông thổ chốn này nên Nam lúng túng không biết chạy đi đâu. Hơn thế, vòng vây của công an đã khép chặt ở khắp mọi nơi. Dưới sông, canô cảnh sát tuần tiễu suốt ngày đêm. Trên bộ, cứ cách dăm trăm mét lại có một chốt gác. Trên bãi ngô, cảnh sát đã bắt đầu đổ quân rầm rộ. Đường cùng, Nam đành liều chạy vào một nhà dân, vơ vội vàng chiếc nón rách úp lên đầu, rồi tay cắp thúng, tay cầm sào đóng giả là người đi chăn vịt mò mẫm trong đêm tối đi lên đê, tính kế sẽ chuồn ra khỏi làng.
Nhưng từ trên đê, lực lượng Cảnh sát hình sự chốt chặn tại đây đã không mấy khó khăn để phát hiện ra điều bất bình thường của kẻ trong trang phục của người chăn vịt kia vì chỉ họa có là thằng điên thì đêm tối thế này mới lùa vịt đi chăn mà thôi! Nam bị bắt giữ ngay tắp lự, khi chiếc nón rách bung ra khỏi đầu y, các trinh sát mừng hú: "Đúng Nam cu chính thật rồi". Hỏi cung nhanh, Nam khai: "Anh Thân vẫn còn ở trong bãi"...
Cũng thời điểm này, trận càn trên bãi ngô đã bắt đầu. 500 CBCS đã được huy động. Hơn 100 lá cờ có cán cao 4m cũng đã được chuẩn bị. Bãi ngô với diện tích hơn 5km2 được chia thành từng ô. Anh em dàn thành hàng ngang, mỗi hàng 200 quân, quét xong ô nào cắm cờ báo hiệu hết ô đó. Lực lượng hậu cần cũng đã chuẩn bị đủ gần 1.000 suất ăn để đảm bảo cuộc truy lùng có thể kéo dài đến đêm. Sau này, anh em còn kể lại rằng, phu nhân của Thiếu tướng Phạm Chuyên - cũng là một cán bộ của Công an Hà Nội - thương anh em vất vả nên đã đích thân mua hết một gánh trứng vịt lộn và hai gánh xôi để bồi dưỡng thêm cho chiến sĩ.
Ngô đang vào vụ, lá đã già, sắc như trăm ngàn lưỡi dao, lại ướt đẫm sương đêm nên cứa vào da thịt cứ xót như bị ai xát muối. Phấn ngô rụng tơi bời, phủ bê bết lên mặt. Thêm nữa, cả bãi ngô lại vừa mới phun thuốc sâu, sặc sụa mùi vừa hắc vừa nồng, vừa cay xè mắt. Thế nên, không ít anh em bị dị ứng phấn ngô và thuốc sâu, mặt mũi sưng vù, phải đưa ra khỏi đội hình. Lính hình sự, đã quen ăn gió nằm sương, nhưng phấn ngô và thuốc sâu thì bây giờ mới được... nếm mùi.
Quá trưa, toàn bộ bãi ngô đã được kiểm tra kỹ lưỡng. Cờ đã cắm báo hiệu khắp mọi nơi, không còn một ô nào trống mà tên Thân thì vẫn không thấy đâu.
Cuộc truy tìm trên bãi ngô kết thúc. Thiếu tướng Phạm Chuyên hạ lệnh: Chỉ huy các đơn vị phải đi kiểm tra toàn bộ bãi ngô, nếu thấy cây ngô nào bị đổ phải thống kê lại ngay để đền cho dân.
Dưới sông, 3 canô của Phòng CSGT đường thủy vẫn chạy tuần tiễu và khám xét tất cả các phương tiện đi qua quãng sông này. Các trinh sát hình sự vẫn bám chặt các bến đò dọc từ Hà Nội lên đến Ba Vì và còn cho các tổ đi theo tàu chở khách để truy tìm đối tượng. 40 CBCS của Công an Hà Tây (cũ) vẫn đảm bảo phối hợp chặt chẽ với Công an Hà Nội, Công an Hòa Bình, Công an Vĩnh Phúc rà soát toàn bộ các bến phà, bến đò thuộc địa phận của tỉnh. Tên Thân đã trốn được đi đâu trong vòng vây khép chặt đến như thế, vẫn còn là một câu hỏi làm đau đầu Ban chuyên án...
Thứ Sáu, 19/03/2010 - 11:15 AM
Một cuộc thi hành án tử hình
Không giống như đa số các tử tù khác, trong phút giây cận kề cái chết, cả hai đều không hoảng loạn. Nếu như nhiều tử tù khi nghe tiếng khóa buồng giam vang lên lách cách, khi người quản giáo xuất hiện và khẽ nói: "Hôm nay đi" là chân tay trở nên mềm nhũn, không bước nổi, quản giáo phải xốc nách ra khỏi xà lim thì cả Thân lẫn Nam đều bước đi hoàn toàn bình thường.
Thiếu tướng Phạm Chuyên hỏi cung tên Thân.
Nhà không dám tắt đèn
Thì ra, đêm 3/11, sau khi thấy động, không chỉ một mình Nam mà cả Thân cũng chạy khỏi bãi ngô, cuống cuồng, lạc nhau mỗi tên một hướng. Thấy chỗ nào cũng có công an, Thân lao bừa ra phía bờ sông, tìm cách bơi sang bờ bên kia là địa phận của tỉnh Vĩnh Phúc. Đúng lúc ấy thì Thân nhìn thấy một chiếc thuyền thúng làm bằng tôn, không biết của ai đó, neo ở bờ sông. Như kẻ chết đuối vớ được cọc, Thân bèn leo lên thuyền, hối hả chèo sang bên kia sông là xã Trung Hà, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc.
Trời tang tảng sáng, Thân vứt thuyền dưới bến, rồi mò đến nhà Trần Văn Đắng. Đắng không phải là anh em ruột rà gì với Thân mà chỉ là người bà con xa trong họ. Lần này, cùng đường, Thân phải tìm đến.
Rất may là Đắng ở nhà và đồng ý cho Thân tá túc. Do tinh ranh, xảo quyệt nên Thân nghĩ ra cách lẩn trốn rất quái dị để tránh bị công an và bà con làng xóm phát hiện. Đến bữa, Thân không dám ngồi ăn cơm cùng gia đình Đắng mà chui xuống chuồng lợn để ăn, thây kệ mùi phân hôi thối quẩn vào cơm ăn, nước uống. Ban đêm, Thân leo lên ô văng nhà để ngủ bởi ở vị trí này hắn có thể quan sát, theo dõi được mọi thứ ở phía dưới - trong nhà, ngoài xóm - nhưng người ở dưới thì lại không thể nhìn thấy y được.
Tuy đã chọn cách ẩn náu như vậy nhưng Thân vẫn không yên tâm. Sau hai ngày đêm ở nhà Đắng, Thân quyết định “bùng”. Y ra tá túc ngoài bãi dâu, chỉ ban đêm mới dám mò vào nhà Đắng để lấy cơm ăn, nước uống. Thân và Đắng còn quy định ám hiệu là ngọn đèn treo trước cửa nhà Đắng. Khi nào thấy tắt đèn, tức là an toàn, thì mới được vào lấy cơm ăn. Bằng không thì phải nhịn...
Quả nhiên, khi đưa quân về ém tại đây, các trinh sát hình sự thu được nhiều nguồn tin quan trọng, củng cố cho phán đoán của Thượng tá Hùng. Thứ nhất là, chuyện tự nhiên nhà Đắng vớ được chiếc thuyền ngoài bãi. Đám choai choai ở ven sông kể, sáng sớm ngày mồng 4 (chính là hôm Thân thoát khỏi bãi ngô Trung Châu), chúng thấy ông Đắng ra sông từ tinh mơ, vác về một chiếc thuyền thúng làm bằng tôn, bảo là nhặt được. Đám trẻ xin nhưng Đắng không cho. Sau này, khi bắt được Thân, Đắng mới buộc phải khai rằng, đêm đó, khi mò tới nhà Đắng, Thân rất hoảng hốt kể lại chuyện bị công an vây ráp ở bãi ngô dữ quá, may vớ được chiếc thuyền mà bơi qua sông về đây. Thuyền vẫn còn vứt ở ngoài bờ sông. Nghe thế, tiếc của giời, Đắng liền mò ra sông, vác thuyền về nhà mình làm của riêng.
Thứ hai là chuyện vợ Đắng vác rổ sang hàng xóm mua một con gà về làm thịt, nói là nhà có giỗ nhưng khi hỏi giỗ ai thì vợ Đắng cứ ấp a ấp úng như gà mắc tóc, chả biết giỗ ai.
Lời khai của Nam và những câu chuyện bất bình thường như thế cho thấy chắc chắn là Đắng đang giữ mối quan hệ với Thân. Một tổ trinh sát hình sự được lệnh mang mỳ tôm, nước uống, chăn chiếu đến ngủ... ngay ở cạnh nhà Đắng. Quả nhiên, từ khi có trinh sát hình sự ở sát vách, vợ chồng Đắng lo lắng, bồn chồn ra mặt. Và, ngọn đèn trước cửa nhà Đắng, suốt từ hôm ấy, chả bao giờ dám tắt...
Pha biểu diễn ngoạn mục của các trinh sát hình sự
Sáng 13/11, vòng vây của cảnh sát hình sự ở khu vực xã Trung Hà đã khép chặt. Nhưng khu vực trọng điểm được ém nhiều trinh sát nhất chính là bãi dâu ở trong sân kho hợp tác xã.
Ở đây có 3 đống thân cây dâu rất to, được chất lên cao lút đầu người. Những đống thân cây này, được người dân địa phương gác phơi để làm củi. Một trinh sát quê ở vùng trồng dâu nên rất thạo. Anh biết, các đống thân dâu này, trông ngoài thế thôi nhưng bên trong rộng bằng cả một gian nhà, có đến 3, 4 người chui vào ở bên trong cũng được, mùa hè mát, mùa đông ấm. Thuở nhỏ, anh đã từng trốn mẹ chui vào đống dâu nằm cả ngày mà chả ai biết. Cả họ đổ xô đi tìm, tưởng bị lạc. Mãi đến khi nằm trong đống dâu thấy mẹ khóc dữ quá, sợ mẹ bị mù như ông Nguyễn Đình Chiểu trong sách Trích giảng văn học, anh mới chịu chui ra.
Cũng bởi vậy mà trinh sát này đề xuất, phải kiểm tra kỹ cả 3 đống dâu này xem bên trong có người hay không. Nhưng công tác kiểm tra cũng phải làm thật khéo vì sợ nếu bị lộ thì tên Thân từ bên trong rất có thể sẽ chống trả điên cuồng...
Sau khi bí mật kiểm tra, các trinh sát hình sự phát hiện thấy tại một đống dâu, ở một góc có những thân cây khá sạch và vạt cỏ quanh đó bị rạp xuống. Những dấu hiệu bất thường này cho thấy, nhiều khả năng đã có ai đó chui vào đống dâu bằng "cửa" này. Thế là phương án “khám” đống dâu được đề xuất. Mặc dù Ban chuyên án rất tin vào tay nghề của CSHS nhưng đây vẫn là một quyết định khó khăn vì tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh lúc bấy giờ là Phó giám đốc Công an TP ngần ngại hỏi, liệu có cần phải huy động thêm cả Cảnh sát cơ động nữa không...--PageBreak--
Pha trình diễn của các trinh sát hình sự bắt đầu trong sự hồi hộp nghẹt thở của lực lượng truy bắt. Một trinh sát từ từ rẽ đống dâu bò vào và ngay lập tức anh quờ phải một vật gì mềm mềm, âm ấm. Chắc chắn là đã vớ phải... con trăn, anh hét lên và lùi ra. Nhưng bất ngờ anh lại quờ ngay được một chiếc tất. Thôi, thế là đúng có người ở trong này rồi và rất nhanh trí, anh trinh sát lại tiếp tục trườn vào trong hốc dâu thăm thẳm, tối om như hũ nút. Lính hình sự, trận mạc quen nên trong bóng tối, cú ra đòn vẫn chính xác. Nhanh như cắt, anh đã chộp được một cánh tay. Cánh tay đó gầy trơ xương, không cựa được trong đôi tay cứng như gọng kìm của lính hình sự. Thân bị bắt. Hôm đó là ngày thứ 17 kể từ khi vụ cưa cùm, trốn trại xảy ra...
Một cuộc thi hành án tử hình
6 tháng sau, phiên tòa xét xử vụ tử tù trốn trại giam được đưa ra xét xử ngay trong khuôn viên Trại Hỏa Lò mới. Cùng với Thân và Nam, 9 người đã từng có hành vi giúp sức cho chúng trong những ngày chạy trốn cũng bị đưa ra xét xử về tội che giấu tội phạm.
Kết quả thực nghiệm điều tra, lời khai của Nguyễn Văn Thân, Nguyễn Hải Nam và các chứng cứ khác cho thấy việc chúng trốn khỏi buồng giam 3K3 hoàn toàn không có sự thông đồng, giúp đỡ của CBCS quản giáo, bảo vệ của Trại giam. Tuy nhiên, đối với những CBCS thiếu trách nhiệm để xảy ra hậu quả hai tên tử tù trốn thoát thì 24 đồng chí bị xử lý kỷ luật, một số đồng chí bị truy tố về tội thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Đây là một bài học đau xót về công tác quản lý, giam giữ, cải tạo phạm nhân của Công an TP Hà Nội.
Bữa ăn ngon lành đầu tiên của tên Thân tại phòng PC14 sau nhiều ngày trốn chui lủi.
Vì hành vi trốn trại nên ngoài bản án tử hình, Thân còn phải cõng thêm bản án 5 năm tù giam, Nam 4 năm tù giam. Tổng hợp hình phạt chung cho hai bản án vẫn là... tử hình.
Hai năm sau ngày vượt ngục, sáng 17/10/2003, bản án tử hình đối với Nguyễn Văn Thân và Nguyễn Hải Nam được thi hành. Dường như đã hiểu được cái giá mình phải trả cho những tội ác không thể dung tha nên cả Thân và Nam đều bình tĩnh đón nhận khoảnh khắc đền tội. Không giống như đa số các tử tù khác, trong phút giây cận kề cái chết, cả hai đều không hoảng loạn. Nếu như nhiều tử tù khi nghe tiếng khóa buồng giam vang lên lách cách, khi người quản giáo xuất hiện và khẽ nói: "Hôm nay đi" là chân tay trở nên mềm nhũn, không bước nổi, quản giáo phải xốc nách ra khỏi xà lim thì cả Thân lẫn Nam đều bước đi hoàn toàn bình thường.
Tử tù viết thư về gia đình trước khi thi hành án.
Đã có những ngày tháng ngồi trong xà lim cùng nhau, rồi trốn chui trốn lủi cùng nhau, hôm nay cả hai lại cùng nhau về với đất. Trong bữa ăn cuối cùng theo luật định trước khi ra pháp trường, cả Thân lẫn Nam đều ăn ngon lành, trò chuyện ríu rít. Rồi cả hai cùng viết thư về cho gia đình, một cách bình tĩnh và thanh thản. Kẻ gieo tội ác phải đền tội như một quy luật bất biến của muôn đời...
Đặng Huyền.
----------------------------------------------------------------
Phụ lục:
Thứ ba, 27 Tháng mười một 2001, 10:26 GMT+7
Cách chức giám thị và phó giám thị trại tạm giam Hà Nội
Quyết định cách chức, đã được Bộ trưởng Công an chấp nhận, vừa được Ban Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đưa ra, để kiểm điểm, xử lý giám thị và phó giám thị trại tạm giam. Nguyên do hai người này đã thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý trại.
Đồng thời, lãnh đạo Công an Hà Nội cũng đã bổ nhiệm giám thị và một phó giám thị mới.
(theo Lao Động).
Thứ hai, 08 Tháng tư 2002, 14:14 GMT+7
Kỷ luật 13 cán bộ sau vụ 2 tử tù trốn trại
Ban giám đốc Công an Hà Nội vừa ra quyết định kỷ luật với 13 cán bộ, sĩ quan của Trại giam số 1 Hà Nội. Những người này phải chịu trách nhiệm trong việc để 2 tử tù vượt ngục trốn thoát, đêm 28/10/2001.
Trong số đó, thượng tá Nguyễn Văn Hoắc, Giám thị Trại giam số 1 phải nghỉ chế độ, Phó giám thị Dương Xuân Đỉnh bị miễn nhiệm, Phó giám thị Tạ Minh Quang bị cảnh cáo.
Lãnh đạo Công an Hà Nội quyết định mức kỷ luật trên (nặng nhất bị miễn nhiệm, nhẹ là cảnh cáo) căn cứ vào thành tích lâu nay của Trại giam số 1, không để các vụ việc lớn xảy ra. Hơn nữa, thượng tá Hoắc cùng 2 cán bộ khác đã nhiều năm công tác và sắp đủ tuổi nghỉ hưu, nên chỉ buộc nghỉ chế độ sớm hơn.
Tuy nhiên, VKSND Hà Nội cho rằng cần xử lý những người liên quan bằng biện pháp hình sự. Viện đã đề nghị Công an Hà Nội chuyển hồ sơ vụ việc cho Cục Điều tra hình sự VKSND Tối cao thụ lý. Nhưng cho đến nay, đã hơn một tháng Cục Điều tra chưa nhận được hồ sơ này.
N.N