Login Form

Số Người Truy cập

04455663
Today
Yesterday
This Week
Last Week
This Month
Last Month
All days
14
1382
4636
2806914
15516
28301
4455663

2024-11-23 00:18

Muôn Mặt Cuộc Sống

Chân dung người lính

Chuyện về Anh hùng LLVTND:  Phi công Nguyễn Văn Bảy

QĐND - Thứ Ba, 26/10/2010, 23:31 (GMT+7)
 

Chỉ có lòng yêu nước mới hun đúc ý chí kiên cường tới mức một chàng trai trẻ từng bị tiền đình, ban đầu mỗi lúc ngồi lên máy bay đều nôn thốc nôn tháo lại có thể vượt lên tất cả, trở thành một phi công giỏi, 13 lần xuất kích, diệt 7 máy bay Mỹ. Ông là Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Bảy, 1 trong 3 phi công đầu tiên được phong tặng danh hiệu cao quý này...

Read More

 

Người phi công một thời lập bao chiến công lẫy lừng trên bầu trời nay đã bước sang tuổi 74, tóc đã bạc, mắt đã mờ, nổi bật trong đoàn Anh hùng LLVT nhân dân của quân chủng ra thăm Hà Nội bởi bộ râu dài quắc thước. Ông tên thật là Nguyễn Văn Hoa, sinh năm 1936, tại xã Hòa Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Cuối năm 1954, ông tập kết ra Bắc và được chọn đi học lái máy bay. Năm 1965, ông về nước tham gia chiến đấu 13 trận, bắn rơi 7 máy bay Mỹ và chưa lần nào phải nhảy dù. Ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân năm 1967, được Bác Hồ tặng 7 huy hiệu và 1 chiếc đồng hồ đeo tay.

 

alt
Phi công Nguyễn Văn Bảy với chiếc Mig-17 đã đánh nhiều trận xuất sắc. Ảnh tư liệu

Trở lại những kỷ niệm ban đầu chuẩn bị đi học lái máy bay, lúc đó ông học chưa hết lớp 3, thậm chí còn phải đánh vần từng chữ trong trang sách. Tại Trường bổ túc văn hóa Lạng Sơn, ông được phổ cập một lèo từ lớp 4 lên lớp 10. Ông kể lại: “Tôi nhớ thầy giáo chỉ dạy một cách đại khái, phần lớn là chỉ giới thiệu đề mục và các phần quan trọng là chính. Tôi phải học ngày học đêm mới nhớ được những phần cơ bản của mỗi lớp”.

Trước lúc lên đường sang Trung Quốc học lái máy bay, anh em miền Nam được gặp Bác Hồ. Ông kể: “Chúng tôi đã có buổi lao động nhặt cỏ ngôi mộ của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Cao Lãnh. Ngày ấy chúng tôi nói với nhau, sau này ra Bắc gặp Bác sẽ kể lại với Bác tỉ mỉ chuyện này. Vậy mà, khi gặp rồi, tôi xúc động quá không nói nên lời. Bác Hồ đã ân cần căn dặn chúng tôi: “Các cháu là những học sinh, chiến sĩ miền Nam, vậy hãy cố gắng học tập và rèn luyện cho tốt để sau này trở thành những phi công giỏi, chiến đấu thống nhất đất nước mình. Và các cháu còn chở Bác về thăm đồng bào miền Nam nữa chứ!”. Khắc ghi lời Bác, tôi luôn phấn đấu vươn lên. Do bị tiền đình nên ngày đầu, hễ cứ lên buồng lái là tôi lại nôn thốc nôn tháo. Để khắc phục tình trạng này, tôi đã cắt nửa ruột quả bóng làm dây treo lên cổ để phòng khi buồn nôn. Dần dần tôi đã quen và trình độ bay càng tốt lên. Tôi chăm chỉ học tập, rèn luyện, đặc biệt là trong thực hành, mọi động tác thầy giáo dạy tôi đều thực hành thành thục, đến mức nhắm mắt lại tôi cũng có thể chỉ từng bảng đồng hồ trên máy bay. Đầu tiên tôi học lái máy bay YK-52, sau đó chuyển dần lên Mig-15, Mig-17 thì mới hết hiện tượng nôn mửa”.

alt
Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy tại Bảo tàng Phòng không-Không quân. Ảnh: TRUNG THÀNH

Giữa năm 1965, ông về nước tham gia chiến đấu. Ngày mồng 7-10-1965, khi đang chiến đấu trên bầu trời Yên Thế thì máy bay bị trúng đạn, thủng nắp buồng lái, ông đã dùng tay bịt lỗ thủng và đưa máy bay về hạ cánh an toàn. Xuống sân bay, trấn tĩnh lại, ông đếm được tất cả 84 lỗ thủng trên máy bay. Trận đánh mà ông nhớ nhất diễn ra ngày 5-9-1966. Ông kể: “Lúc này tôi đã bắn rơi được 3 chiếc máy bay rồi, nên trong ngày lễ 2-9, tôi nhường cho anh em phi công khác trực ban để lập thành tích kỷ niệm Quốc khánh. Hôm ấy, tôi cùng phi công Võ Văn Mẫn quê Bến Tre được phân công trực chiến sân bay Gia Lâm. Khoảng 4 giờ chiều, máy bay hải quân địch vào cầu Giẽ đánh phá. Chúng tôi được lệnh cất cánh, nhưng khi bay vào không vực thì địch đã rút. Lúc này, dưới mặt đất phát hiện một tốp địch khác vào Phủ Lý (Hà Nam). Sở chỉ huy dẫn đường để hai chúng tôi vào công kích. Cách địch 15km, tôi phát hiện mục tiêu như hai chấm đen trước mặt. Còn cách 5km, tôi lệnh cho số 2 thả thùng dầu phụ, tăng tốc đối đầu máy bay địch. Thấy máy bay ta, địch hốt hoảng lợi dụng mây hòng chạy trốn. Tôi quyết định bay tắt đón đường. Quả nhiên, qua đám mây thì nhìn thấy hai máy bay địch, chúng hốt hoảng vừa bay vừa làm động tác né đạn. Tôi bám theo chiếc thứ hai, đồng thời ở khoảng cách 250m xả một loạt đạn vào buồng lái địch. Những mảnh me-ca buồng lái địch bị văng tung tóe, tên phi công trúng đạn chết tại chỗ. Cùng lúc đó phi công Võ Văn Mẫn bám theo chiếc số 1 nổ súng tấn công. Máy bay địch trúng đạn bốc cháy, phi công địch lập tức nhảy dù. Hai chúng tôi sung sướng bảo nhau đưa máy bay về căn cứ hạ cánh. Quân chủng đã báo chiến công này lên Bộ Quốc phòng và Bác Hồ. Bác liền hỏi hai đồng chí phi công đó, tên gì, quê ở đâu? Sau này, biết hai chúng tôi là người miền Nam, Bác Hồ vui lắm và gửi tặng chúng tôi huy hiệu của Người.

Đại tá Nguyễn Văn Bảy đã từng trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau như Trung đoàn trưởng Trung đoàn 937, Phó tư lệnh Sư đoàn 372, Phó tham mưu trưởng Quân chủng Không quân (nay là Quân chủng Phòng không-Không quân). Đến năm 1989, ông nghỉ hưu và làm Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Không quân tại TP Hồ Chí Minh. Hiện nay vợ chồng ông về quê nhà ở thị trấn Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp làm bạn với ruộng vườn, khoai sắn và vui tuổi già.

Nguyễn Thành Trung

Hình Ảnh Mới Nhất

  • Hun-luyn-s-dng-CCHT-2.JPG
  • IMG_0167.JPG
  • IMG_0195.JPG
  • IMG_0213.JPG
  • IMG_0417.JPG
  • Thiu-t-v-s-Thiu-Ngc-Sn-2.jpg
  • Thy--Vng.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-11.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-Sn-5.JPG
  • V-s-Thiu-Ngc-Sn-15.JPG
  • Vng-2.JPG