Khí Công - Dưỡng Sinh
TẬP KHÍ CÔNG NGUYÊN PHÁP THỤT DẦU: Lợi cho trí não và cả sức khỏe ???
Hôm nay vô tình fangzi thấy có bài viết này của một tác giả tên là phanhoangnguyen viết và kêu gọi** mọi người hãy cố gắng tham gia và nỗ lực học và tập "thụt dầu". Thực lòng mình chưa tập qua cái kungfu được tác giả ví là "sản phẩm trí tuệ của người Việt Nam" nhưng mình nhớ cách nay răm năm, có một người vì thực hành cái kungfu quái dị này mà đã khiến cho một thanh niên phải nhập viện và chính bản thân vị sư phụ này đã bị dư luận xã hội lên án gay gắt và cuối cùng ông phải chịu một hậu quả là bị "đuổi việc"...Vậy Fangzi xin tổng hợp các nguồn tin giúp những bạn yêu sản phẩm trí tuệ Việt tham khảo và cố tập cho có hiệu quả nhá !
KHÍ CÔNG NGUYÊN PHÁP
Trong các phương pháp tập khí công, có một phương pháp cực kỳ căn bản, làm tích tụ lực ở Đan điền rất vững chắc, làm nền tảng cho mọi phương pháp luyện tập khí công khác, đó là Khí công nguyên pháp.
Khí công nguyên pháp này xuất phát hoàn toàn tại Việt Nam, là sản phẩm trí tuệ của người Việt Nam. Vì thế người Việt Nam nên rủ nhau tập luyện KCNP này thường xuyên để kiện toàn sức khỏe, tăng cường sức mạnh của thần kinh não, tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, chữa trị các bệnh mạn tính. KCNP còn có công năng diệt trừ ham muốn tình dục vô cớ, giúp cho tu sĩ có thể giữ được cấm giới, giúp cho những chiến sĩ xa nhà có thể thanh thản không bị đòi hỏi sinh lý bức xúc. Người tập KCNP thường xuyên sẽ trở nên thông minh hơn, tinh thần tập trung hơn, trí nhớ tốt hơn. KCNP cũng giúp cân bằng huyết áp, giúp điều chỉnh lượng đường huyết trong máu, nhiều người nhờ tập KCNP mà hết bị đường huyết vượt ngưỡng. Có người tập KCNP mà phục hồi được bộ não sau tai biến.
Điều kiện để có thể tập KCNP:
- Có đôi chân lành lặn bình thường, vì tập bằng chân là chính.
- Tập vào lúc buổi sáng sớm khi chưa ăn gì, và đã uống một ly nước đầy. Buổi tối tập trước khi ngủ sẽ giúp ngủ ngon. Tập vào giữa buổi làm việc sẽ giúp giải tỏa căng thẳng.
Khi bắt đầu tập, ta đứng hai chân rộng hơn vai một chút, hai tay chống vào hông, toàn thân buông lõng, quan trọng nhất là giữ lưng luôn luôn thẳng đứng so với mặt đất. Mắt nhìn thẳng, nhưng không chú ý ngoại cảnh vì tâm phải lo quan sát bản thân.
- Động tác một, ta hạ tấn xuống theo như Trung bình tấn, lưng giữ tuyệt đối thẳng đứng, hít vào trong khi đang hạ tấn xuống. Nếu ai có thể hạ tấn đến khi mông gần sát hai gót chân thì rất tốt, nếu chưa quen thì hạ lưng chừng cũng được. nhưng cuối cùng cũng phải hạ tấn sao cho hai mông gần sát hai gót.
- Động tác hai, ta đứng lên và nín thở lại, giữ lưng tuyệt đối thẳng đứng. Đứng thẳng hết hai chân như ban đầu.
Động tác ba, ta thở ra, và đếm số. theo dõi xem tim có bớt đập hay không.
Khi tim đã bình thường thì tập lại chu kỳ như trước, hạ tấn xuống hít vào, đứng lên nín thở, đứng lên hết thì thở ra, đếm số.
Ta cần chú ý đếm số cẩn thận chính xác mỗi khi xong một chu kỳ, vì khi tập như thế bộ não được củng cố rất nhiều, và ngay lúc đó ta tập trung nhớ số thì phát huy hiệu quả luyện tập bộ não rất cao.
Mỗi buổi tập như thế nên tập ít nhất 50 lần (chu kỳ). Người tập quen có thể tập đến năm sáu trăm lần trong một buổi tập.
Điều khó ban đầu là làm sao giữ lưng thẳng khi hạ xuống và lúc đứng lên, vì nếu lưng bị cong thì nội lực bị chạy ngược lên làm căng thẳng não bộ. Chỉ khi lưng được giữ thật thẳng thì nội lực sẽ được tích tụ tại đan điền và tạo nên nhiều điều kỳ diệu.
Những ngày đầu mới tập thì ta sẽ bị đau mỏi hai chân, đi đứng hơi kỳ kỳ một chút, nhưng không sao, tập tiếp thì sẽ hết. Khi nội lực tích cụ ở đan điền được rồi thì hệ thống cột sống lưng, gân dây chằng hai bên cột sống được vững chắc giúp ngăn ngừa và chữa trị các bệnh về đốt sống lưng, đau lưng, suy thận… Nội lực tích tụ ở đan điền cũng giúp con người sống thanh thản, không bị đòi hỏi tình dục vô cớ, cũng là một sự giải phóng tâm sinh lý rất đáng kể. Người có tu thiền thì lại rất cần nội lực tích tụ ở Đan điền vì giúp tập trung tinh thần tốt hơn trong việc kiểm soát vọng tưởng. KCNP cũng giúp rèn luyện ý chí vì thế tập đơn điệu, đều đều, và gây mỏi chân, nhưng nếu ai tập quen rồi lại thấy ghiền vì nó đem lại sự bình an kỳ lạ khi đang tập, và ảnh hưởng tốt còn kéo dài sau khi tập xong.
Nên tổ chức tập thành nhóm để khuyến khích lẫn nhau hơn là tập một mình. Từ KCNP này, ta có thể phát triển tiếp thành cách luyện tập nội lực khác để tăng hiệu quả sức mạnh trong chiến đấu võ thuật hoặc công việc làm cũng rất thuận lợi. Ta sẽ thấy bên cạnh sự minh mẫn còn có sự dẻo dai, đòn tay đánh ra chắc hơn, bước tấn vững vàng hơn, dáng đi êm nhẹ nhưng mạnh mẽ hơn. Và bây giờ xin bắt đầu đứng lên, giang hai chân rộng hơn vai một chút, chống hai tay lên hông, bắt đầu hít vào để hạ tấn thấp xuống và giữ thẳng lưng, rồi nín thở để đứng lên, rồi đứng yên để thở ra đếm số một…
Xin chúc quý vị thành công và gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp cho cả tâm hồn lẫn cơ thể.
HÃY TẬP THỤT DẦU MỖI NGÀY BẠN NHÉ ! VÌ SỨC KHOẺ, HỌC TẬP VÀ BỘ NÃO CỦA CÁC BẠN!
Fangzi sưu tầm
-------------------------------
Nhập viện vì bị thụt dầu 100 lần trong lớp học
(Dân trí) - Đã 5 ngày sau khi bị thầy giáo phạt thụt dầu, học sinh Lê Anh Tuấn vẫn còn đang nằm điều trị ở bệnh viện Thống Nhất, TPHCM. Sự việc xảy ra vào chiều ngày 19/11/2009, trong giờ Toán của thầy Bình. ở lớp 11A8, trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM).
Một góc khuôn viên trường Lê Quý Đôn - TPHCM. (Ảnh: Hiếu Hiền)
Thụt dầu 100 cái
Thụt dầu là động tác dùng hai tay bắt chéo qua ngực nắm vào hai dái tai bên đối diện, đứng lên ngồi xuống. Mấy năm gần đây, hình phạt này ít xuất hiện trong các trường phổ thông ở TPHCM vì những hậu quả về tinh thần và thể chất có thể gây ra cho giới trẻ ở độ tuổi vị thành niên.
Giờ Toán ngày thứ 5 hôm 19/11, học sinh Lê Anh Tuấn học sinh lớp 11A8, trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM) có cười nói và đùa giỡn trong lớp học. Thầy giáo Bình. quyết định ghi vào sổ đầu bài nhưng các em học sinh nói thầy đừng ghi và đề nghị thầy cho phạt hình thức khác. Vậy là Lê Anh Tuấn phải nhận hình phạt thụt dầu 100 cái.
Theo gia đình bệnh nhân, sau khi bị thầy giáo dạy môn toán phạt thụt dầu 100 lần và em đã thực hiện xong hình phạt. Khi về đến nhà, Tuấn nói với gia đình bị đau nhiều nơi trên cơ thể và đi tiểu có màu đỏ. Gia đình nghĩ em Tuấn đi tiểu ra máu, nhưng mãi đến ngày 22/11, gia đình mới đưa em Tuấn đến khám tại Bệnh viện Thống Nhất.
Có thể để lại di chứng
Theo các bác sĩ ở khoa Nội thận và lọc máu, học sinh Lê Anh Tuấn bị hội chứng ly giải cơ. Khi xét nghiệm thì thấy có men cơ trong máu tăng lên gây ra hiện tượng nước tiểu đỏ. Một trong những nguyên nhân gây ra hội chứng này là do vận động quá mức. Nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng mà đầu tiên là bị suy thận cấp.
BS Nguyễn Bách (Trưởng khoa Nội thận và Lọc máu, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM) cho biết, hội chứng li giải cơ có thể được gây ra do các nguyên nhân sau: do bệnh nhân dùng thuốc hạ mỡ máu ở liều cao kéo dài, hay dùng heroin hoặc do vận động (các cơ) quá mức. Các cơ quan của cơ thể sẽ khó thích ứng ngay với các tác động quá đột ngột do vận động cường độ cao.
Do đó, nếu em Tuấn đã phải thụt dầu liên tục 100 cái, điều đó có thể gây hội chứng ly giải cơ nơi em Tuấn. Vì theo BS Bách, cơ thể cần có sự tập quen dần, như chỉ thụt dầu khoảng 20 hay 30 cái lần đầu, sau đó mới tăng dần lên thì các cơ mới kịp thích ứng với cường độ cao, nhờ đó giảm được sự đau, mỏi cơ.
Có thể chữa khỏi nhưng về lâu dài sức khỏe vẫn bị ảnh hưởng từ các nhóm cơ bị vận động quá sức. Được biết vào thời điểm nhập viện, Lê Anh Tuấn được chẩn đoán không có tiền sử bệnh thận. Các bác sĩ điều trị cũng cho biết, em học sinh này sẽ bình phục và xuất viện sau khoảng 7 ngày nữa.
Ngày 24/11/2009, trao đổi với Dân trí, thầy Phạm Văn Phiệt, hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn cho hay ông đã báo cáo sự việc này lên Sở GD-ĐT TPHCM và xin biện pháp giải quyết. Ý kiến chỉ đạo của Sở là xử lý theo trình tự, đúng mực, mang tính giáo dục. Thầy cô vi phạm ở mức độ nào thì xử lý theo mức độ đó.
Vị hiệu trưởng của trường trong mấy ngày qua cũng nhức đầu với sự việc này. Ông nói: “Đây là kinh nghiệm vừa đau buồn mà vừa giận. Thầy giáo đã quên mất khả năng sư phạm, quên mất là mình đang ở trên bục giảng. Bài học kinh nghiệm này không chỉ dành cho thầy cô giáo mà còn cho cả chính các em học sinh nữa. Ở trong lớp học, việc thụt dầu để biểu diễn 1-2 cái là cũng không được rồi”. Ông cho biết trường Lê Quý Đôn chưa bao giờ áp dụng hình phạt này, “đây là sự cố đột biến”.
Theo lý giải của thầy Phiệt, học sinh ngồi phòng máy lạnh, không được làm nóng nên khi thực hiện 100 cái thụt dầu đã xảy ra sự cố. Ngay sau khi em Tuấn nhập viện, thầy giáo B. và hiệu trưởng đã đến thăm học sinh này. Thầy B. đã viết tường trình và tỏ ra hối lỗi. Được biết, thầy B. là giáo viên dạy Toán đã lâu năm.
Trước đây, vào năm 2004, trong giờ phụ đạo môn văn ở một trường THCS ở quận 6, TPHCM, một cô giáo đã bắt gần 10 học sinh lớp 7 thụt dầu 100 cái gây nên sự hoảng loạn về tinh thần ở các em.
Hiếu Hiền - Ngọc Thanh
-------------------------------------------------
Bị thầy phạt “thụt dầu”, một học sinh nhập viện
Em Anh Tuấn, học sinh lớp 11A8 Trường THPT Lê Quý Đôn - TPHCM, đã vào Bệnh viện Thống Nhất cấp cứu trong tình trạng đau cơ, nước tiểu màu đỏ như máu
Ba ngày sau khi vào Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) cấp cứu, ngày 24-11, sức khỏe của Anh Tuấn vẫn chưa tiến triển bao nhiêu và em vẫn phải nằm lặng trên giường bệnh.
Trước đó vài ngày, Tuấn và một số bạn cùng lớp đã bị thầy Võ Hải Bình, giáo viên toán Trường THPT Lê Quý Đôn - TPHCM, phạt “thụt dầu” do cười đùa trong tiết học.
“Thụt” 100 lần
Chiều 24-11, chúng tôi có mặt tại phòng 729 Khoa Nội thận – Lọc máu Bệnh viện Thống Nhất, nơi Tuấn đang nằm điều trị.
Dù đang mệt mỏi nhưng em vẫn cố gắng tiếp chuyện chúng tôi. Tuấn kể: Sáng 19-11, trong tiết toán do thầy Bình dạy, em và một số bạn khác đùa giỡn với nhau. Thầy Bình phát hiện và phạt các em bằng cách bắt “thụt dầu” 100 lần.
Lê Anh Tuấn đang điều trị tại Bệnh viện Thống Nhất vì bị thầy cho luyện Khí công Nguyên pháp "thụt dầu" !(TPHCM)
Các bạn khác chỉ thực hiện khoảng vài chục lần thì đuối sức và được thầy tha, trong khi Tuấn vẫn cố gắng “thụt” đủ 100 lần. “Thụt dầu” xong, thầy Bình đề nghị Tuấn đi lại, vận động và ngồi học tiếp. Hai ngày tiếp theo, dù đau chân nhưng Tuấn vẫn đến trường học.
Mẹ Tuấn cho biết hôm 19-11, thấy con đi học về người cứ xiêu vẹo, bà hỏi chuyện thì được biết Tuấn bị thầy phạt “thụt dầu”. Vì nghĩ chuyện đơn giản nên bà không đưa Tuấn đến bệnh viện ngay mà điều trị ở nhà.
Đến ngày 22-11, thấy Tuấn đi lại khó khăn hơn và tiểu ra chất màu đỏ như máu, bà vội vã đưa con vào Bệnh viện Thống Nhất. Mẹ Tuấn khẳng định ngày thường em rất khỏe mạnh, ở nhà vẫn luyện tập thể dục...
Phản sư phạm
“Thụt dầu” là biện pháp phạt học sinh ở trường? Chúng tôi đặt câu hỏi này và ông Phạm Văn Phiệt, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, khẳng định ban giám hiệu nhà trường luôn nhắc nhở giáo viên không được có những phương pháp giáo dục phản sư phạm nhưng vụ việc vẫn xảy ra.
Ông Phiệt cho biết theo đề nghị của trường, ngày 24-11, thầy Võ Hải Bình đã làm kiểm điểm về việc phạt học sinh “thụt dầu”. Trong bản kiểm điểm, thấy Bình trình bày: Khi phát hiện học sinh đùa giỡn ở tiết học, thầy dọa sẽ ghi vào sổ đầu bài nhưng các em đề nghị được “tự xử” bằng cách “thụt dầu”.
Ông Phiệt nhận xét: “Phương pháp của giáo viên ở đây không đúng cách, không đúng liều và không đúng chỗ. Chuyện đó là sai, huống hồ giáo viên lại đứng chứng kiến”.
Ông Phiệt cho biết ngay sau khi sự việc xảy ra, trường đã báo cáo và xin ý kiến xử lý của Sở GD-ĐT TPHCM. Trước mắt, sở chỉ đạo phải tập trung lo sức khỏe cho học sinh Anh Tuấn.
Trường THPT Lê Quý Đôn là trường được Sở GD-ĐT TPHCM xây dựng theo mô hình trường tiên tiến tiêu chuẩn quốc tế. Học phí mỗi tháng của học sinh ít nhất 890.000 đồng. Tuy nhiên, với cách giáo dục học sinh thế này, dù là cá biệt, dư luận vẫn băn khoăn về mô hình trường tiên tiến tại THPT Lê Quý Đôn.
Điều trị trễ sẽ suy thận cấp, yếu cơ.
Theo bác sĩ Nguyễn Bách, Trưởng Khoa Nội thận - Lọc máu Bệnh viện Thống Nhất, Tuấn nhập viện trong tình trạng đau cơ và nước tiểu màu đỏ như máu. Từ những xét nghiệm, bệnh viện chẩn đoán Tuấn bị ly giải cơ. Bệnh này nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng trước mắt là suy thận cấp. Về lâu dài, bệnh nhân bị yếu các cơ. Hiện Tuấn đang được băng bó để hạn chế vận động nhóm cơ.
Bác sĩ Bách cho biết Tuấn không có tiền sử bệnh thận mà bị khởi phát đột ngột, do đó trong vòng một tuần nữa vẫn chưa thể xuất viện.
Buộc thôi việc thầy Võ Hải Bình
Chiều 15-12, 6/6 thành viên ban giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đã bỏ phiếu chuẩn y kết quả của hội đồng kỷ luật Trường THPT Lê Quý Đôn: buộc thôi việc đối với thầy Võ Hải Bình (vụ “Thầy giáo bắt học sinh thụt dầu 100 cái”, Tuổi Trẻ 26-11).
-----------------------------------
**http://yume.vn/phanhoangnguyen/artic...e-35A7F10D.htm