1. Nhập nội tư không bình chương sự, Hiến quốc công NGUYỄN CHÍCH
Nguyễn Chích hay còn gọi Lê Chích (黎隻) người làng Vạn Lộc , Xã Đông Ninh , Huyên Đông Sơn , Tỉnh Thanh Hóa. Ông sinh năm 1383 mất ngày 26 tháng 11 năm 1448 (Mậu thìn) là công thần khai quốc nhà Lê sơ, chủ tướng của nghĩa quân Lam Sơn.
Theo Văn bia quốc triều tả mệnh công thần, Nguyễn Chính mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ. Ông là người ít nói, ít cười, hiền lành, trung thực, có chí lớn.
Năm Nguyễn Chính 25 tuổi, nước Đại Ngu của nhà Hồ mất do cuộc xâm lược của nhà Minh. Ông nuôi chí đánh đuổi người Minh để cứu nước.
Sử sách không chép rõ thời điểm Nguyễn Chích nổi dậy chống quân Minh, nhưng các nhà nghiên cứu thì ông khởi nghĩa khoảng sau khi nhà Hậu Trần mất (1413) cho tới trước khi Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn (1418). Căn cứ ban đầu mà ông xây dựng là tại Vạn Lộc. Từ Vạn Lộc, Nguyễn Chích đánh ra các vùng xung quanh, cả huyện Đông Sơn quân Minh không dám đến cướp phá.
Sau đó Nguyễn Chích tiến quân đánh chiếm núi Hoàng và núi Nghiêu là vùng giáp 3 huyện Đông Sơn, Nông Cống và Triệu Sơn, xây dựng khu vực này thành căn cứ lớn. Căn cứ này có vách núi dựng đứng và sông Hoàng chảy qua là chiến hào tự nhiên, thuận lợi cho việc phòng thủ lẫn tiến công.
Từ Hoàng Nghiêu, Nguyễn Chích mở rộng phạm vi hoạt động ra vùng lân cận ở Thanh Hoá và bắc Nghệ An. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Hiệu lệnh của ông được thi hành ở các huyện Đông Sơn, Nông Cống và Ngọc Sơn”.
Quân Minh lo lắng. Tướng người Việt theo quân Minh là Lương Nhữ Hốt tìm cách dụ hàng Nguyễn Chích nhưng thất bại.
Năm 1418, Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn (Thọ Xuân, Thanh Hoá). Nghe tin thanh thế của Nguyễn Chích, Lê Lợi sai người mang thư đến mời ông về cùng tham gia quân Lam Sơn. Nguyễn Chích đồng ý theo Lê Lợi, nhưng thời gian đầu ông vẫn ở căn cứ Hoàng Nghiêu. Từ Hoàng Nghiêu, ông mang quân ra đánh Lương Nhữ Hốt ở đồn Cổ Vô, được Lê Lợi phong chức Vinh lộc đại phu Lân hổ vệ tướng quân. Sau đó Lê Lợi lại phong ông làm Đô đốc đạo phủ quản tổng đô đốc quân dân, tước Quan nội hầu.
Cuối năm 1420, ông mang toàn bộ lực lượng gia nhập với Lê Lợi – lúc đó đóng mở Mường Nanh. Ông được Lê Lợi phong làm Thiết đột hữu vệ Đồng tổng đốc chủ quân sự.
Từ năm 1421 đến 1423, ông tham gia nhiều trận đánh với quân Lam Sơn như trận Ba Lẫm (tháng 12 năm 1421) và trận Sách Khôi (tháng 2 năm 1422) đánh bại 10 vạn quân Minh của Trần Trí. Ông được Lê Lợi thăng lên chức thiếu uý.
Khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi, lập ra nhà Hậu Lê. Năm 1429, Nguyễn Chích được phong tước Đình thượng hầu, ban cho họ Lê của vua. Từ đó ông được gọi là Lê Chích.
Thời gian đầu, Lê Chích được tham gia triều chính nhưng sau đó ông bị Lê Lợi cách chức. Các nhà nghiên cứu cho rằng, sử không chép rõ về tội lỗi của ông, việc ông bị cách chức do sự nghi ngại công thần của Lê Lợi.
Năm 1433, Lê Thái Tổ mất, con là Lê Thái Tông lên thay. Lê Chích được phục chức làm Đồng tổng quản châu Hoá, trấn thủ Thát Ải.
Quân Chiêm Thành hai lần cướp phá, ông đều chặn đánh tan, giữ yên biên giới phía nam. Sau đó, Lê Chích còn lập công trong 2 lần đi đánh Chiêm Thành, được phong tước Đình hầu.
Tháng chạp năm 1448, Nguyễn Chích mất, thọ 67 tuổi. Lê Nhân Tông truy tặng ông làm Nhập nội tư không bình chương sự, Hiến quốc công, thuỵ hiệu là Trinh Vũ.
Đánh giá về công trạng của Nguyễn Chích:
Đánh giá về công lao của Nguyễn Chích, năm 1802 vua Gia Long nhà Nguyễn đã liệt ông vào bậc công thần khai quốc của nhà Lê sơ.
Nhà sử học, bác học Lê Quý Đông trong sách “Kiến văn tiểu lục” đã viết về Nguyễn Chích:
Bầy tôi có ông khai quốc, kể về bậc tài trí cần lao không phải là hiếm nhưng sở dĩ [vua Lê Thái Tổ] đã bình định được cả nước là do mưu chước của Lê Chích… Không cần phải đánh mà được thành Đông Đô, lấy hoà hiếu để kết thúc chiến tranh, tuy là mưu kế của Nguyễn Trãi, nhưng trước hết làm cho căn bản mạnh để thu thắng lợi hoàn toàn thực chất là bắt đầu từ Lê Chích.
Hiện nay, đền thờ của người anh hùng Nguyễn Chích được nhân dân quanh năm hương khói phụng thờ tại thôn Vạn Lộc , Xã Đông Ninh , Huyên Đông Sơn, Tỉnh Thanh Hóa.
Mộ của ông được đặt tại thửa đất 294, mặt trước là hướng đông nam, hướng về dãy Hoàng Nghiêu, tai phải là Ngàn Nưa, tay trái là bia thần đạo, phía sau là đường đi vào làng Thanh Huy.
Mộ, bia đá và đền thờ Nguyễn Chích đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 3959/VH-QĐ ngày 02 tháng 12 năm 1992 của Bộ Văn hoá – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Tại phố Thống Nhất 1, phường Trường Thi có đền thờ Tướng quân Nguyễn Chích.
Hiện nay, tên của ông (Nguyễn Chích) đã được đặt cho một đường phố của thành phố Thanh Hoá (tại phường Nam Ngạn) và một trường trung học cơ sở của huyện Đông Sơn (tên cũ là trường Năng khiếu Đông Sơn). Tại quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) có phố Nguyễn Chích và tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) có phố Nguyễn Chính.
Shao Lao Jia sưu tầm và giới thiệu.