Võ Thuật
THẬT GIẢ THÁI CỰC QUYỀN
Trước tiên xin kính cáo cùng toàn thể các Thầy, các HLV và tất cả các bạn yêu mến võ thuật, đặc biệt là những người yêu mến bộ môn Thái cực quyền. Bài viết dưới đây không có ác ý, ám chỉ hẳn một ai mà chỉ muốn kể lại những gì mà người viết được chứng kiến để mọi người cùng đàm đạo.
Trước hết cần khẳng định rằng: Thái cực quyền cùng với các loại hình thể dục vận động như Khí công, Dưỡng sinh, Yoga từ lâu đã được tất cả các tầng lớp nhân dân đặc biệt yêu thích và say sưa tập luyện. Tập TCQ không những tăng cường được thể chất mà còn giúp bạn cải thiện được một phần nào đó những hạn chế, những khiếm khuyết (bởi nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan) của mình. Chẳng hạn như TCQ có thể đem lại cho bạn sự tự tin, xóa đi những nỗi mặc cảm do bệnh tật, do chiều cao cân nặng...,
TCQ có thể đem lại cho bạn một ý chí kiên cường, lòng dũng cảm giúp bạn vượt qua mọi áp lực “cơm áo gạo tiền” đang ngày càng đè nặng trên đôi vai nhỏ bé của mình. Không những thế, Thái cực quyền còn đem lại cho bạn một ích lợi vô cùng to lớn trong việc phòng chống và chữa trị bệnh tật, kéo dài tuổi thọ.
Tập TCQ tại công viên Gia Định, Tp. HCM
Khoa học ngày nay đã chứng minh được các lợi ích to lớn của các vận động mang tính thể dục nói chung và Thái cực quyền nói riêng trong việc nâng cao sức khỏe cộng đồng và vì sự phát triển của xã hội.
Ý thức được tác dụng và lợi ích to lớn của TCQ trong việc nâng cao sức khỏe, trong công tác phòng và chữa trị bệnh tật. Hiện nay khắp nơi trên thế giới, phong trào tập luyện Thái cực quyền càng tỏ ra rầm rộ hơn bao giờ hết. Ở Việt Nam, cùng với sự mở cửa trong quá trình hội nhập, Thái cực quyền cũng đã được nhà nước đặc biệt quan tâm tạo điều kiện thi đấu và luyện tập. Tuy nhiên, việc nhà nước quan tâm và chăm lo đến sức khỏe cộng đồng thông qua việc khuyến khích mọi người dân tham gia tập luyện (có hẳn luật Thể dục-Thể thao riêng), nhưng do qui chế quản lý chưa chặt chẽ, chưa có hướng dẫn hoạt động cụ thể, chưa nền nếp qui củ .v.v. việc tập luyện còn mang tính tự phát cho nên, có rất nhiều những phần tử cơ hội đã lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của nhà nước để trục lợi. Người xưa có câu “ Hỗn thủy mạc ngư” (lợi dụng nước đục mò cá) hay “Sấn hỏa đả kiếp” (tức lợi dụng lúc lửa cháy nhào vô hôi của” nghĩ cũng rất đúng với những loại người này.
Lớp Thái cực quyền sáng của Võ thuật thiều gia tại cv Gia Định
Vậy họ là ai ? làm sao họ có thể làm được những điều đó?... thiển nghĩ, trong thời buổi kim tiền, cái mảnh đất “Ít người nhiều ma” như người nào đó đã thốt lên thì... có gì mà không sảy ra cơ chứ(?!). Họ chẳng phải là “ma”, chính là người. Họ cũng có học Thái cực quyền hẳn hoi, cũng theo thầy đàng hoàng, nhưng có điều là theo không đến nơi đến chốn, học bập bẹ vài ba tháng chưa đâu với đâu, thậm chí còn chưa sạch nước cản (ngôn ngữ của người chơi cờ tướng) đã vỗ ngực ta đây (?!); họ là những người chưa biết thế nào là trạm trang công, không thể hiểu thế nào là “Tĩnh như sơn nhạc, Động nhược sơn hà”, thế nào là “Súc kình như trương cung, Phát kình như phóng tiễn” và lại càng không biết thế nào là “Tâm quí tĩnh, Thần nghi thư. Tâm vi lệnh, Khí vi kỳ, Thần vi chủ súy”… thế nhưng họ cũng không ngại ngùng xưng mình là Chân truyền nọ, Truyền nhân kia (?!); họ là những người chạy chỗ này một tý, học chỗ kia một đoạn, đọc ba cuốn sách viết nhăng viết cuội… cứ như thế, họ tưởng mình đã nắm hết được tinh hoa của võ công, tinh hoa của thiên hạ.
Thái cực Thiều gia tại công viên Gia Định
Do tính chất công việc, người viết bài cũng thường đi đó đây, khắp các tỉnh phía Nam, gặp rất nhiều hạng thầy. Có thầy mặt rất dữ tợn, chắp tay sau đít quát tháo ì sèo; có thầy lại rất nổ, nổ hơn bom khoan hầm của Mỹ nhưng khi hỏi thử thầy vài bộ pháp, thầy trả lời như đứa học trò lớp 2(!). Hóa ra thầy không hiểu thế nào là thủ hình ? Thế nào là thủ pháp?; lại có thầy khi hỏi chuyện, biết người viết có chút am hiểu thầy liền né, không trả lời trực tiếp câu hỏi, thầy bảo thầy dạy Thái cực quyền dưỡng sinh ấy mà (?), rằng mọi người ở đây học Thái cực quyền dưỡng sinh (bài 24, bài 42, Thái cực kiếm 32) chứ không phải Thái cực quyền Wushu…
Ô hô…!!! Thật là nực cười, thật chả hiểu ra làm sao! Thế hóa ra Thái cực quyền lại có 2 môn à? Có Thái cực quyền dưỡng sinh thật à...??? Đấy, các bạn thấy chưa? Họ hiểu về TCQ như thế đó. Thảo nào ở TP.HCM có hai hệ thống TCQ, một do LĐVTVN quản lý và một do thầy Tô Thiếu Kiệt phụ trách (rõ ràng là sự quản lý của nhà nước về vấn đề này là chưa đúng, chưa thỏa đáng. Không thể phân bộ môn Thái cực quyền thành hai hệ thống riêng biệt như thế được). Lại còn chuyện này nữa – chuyện liên quan đến môn Thái cực Trường sinh đạo của VN – mình nghĩ nếu người TQ mà biết thì họ kiện ta vì tội ăn cắp bản quyền, vi phạm nghiêm trọng quyền Tác giả - Tác phẩm (môn Thái cực Trường sinh đạo thật ra đó là bài quyền 24 đã được Trung Quốc thống nhất và đem phổ cập cho toàn dân luyện tập từ những thập kỷ 50 của thế kỷ trước). Thái cực Trường sinh đạo của Việt Nam tương truyền do ông T (một cán bộ từng làm việc ở Sứ quán nước N) sáng lập và hiện có đến chục vạn môn đồ trong cả nước!. Oai chưa! Các bạn thấy hoành tráng chưa? Tự hào chưa? Thế nhưng, Thái cực Trường sinh đạo của Việt Nam thật ra là sản phẩm ăn cắp của người Trung Quốc, sự ăn cắp không có nghề, nên vụng về, xấu hoắc (không tin, mời các bạn cứ ra xem các cụ đi thì biết)... tôi xin được miễn bàn.
Người viết còn thấy có người treo cả cái bảng to tổ chảng với dòng chữ “HLV Thái cực quyền Sở Thể dục – Thể thao” (?!). Không biết cái bằng HLV Thái cực quyền sở TD – TT là bằng gì? Và do ai cấp?... nhưng nội việc treo cái biển hiệu cũng đủ thấy… thầy giỏi và thông minh đến cỡ nào(!).
Với tình trạng quản lý lỏng lẻo như hiện nay, việc kẻ xấu lợi dụng những sơ hở để trục lợi là không tránh khỏi. Vì vậy, về phía nhà nước cần phải có cơ chế quản lý thích hợp, phải làm sao cho mấy ông “thầy lang, thầy vườn” này không còn đất dung thân thì phong trào Võ thuật của nước nhà nói chung và bộ môn Thái cực quyền mới trong sạch và phát triển lành mạnh. Nhà nước nên tổ chức, sáp nhập hai phái thái cực quyền (như đã nói trên kia) thành một hệ thống thống nhất và tiến hành thi đấu theo lứa tuổi hoặc thi đấu theo thể thức phong trào (nhằm khuyến khích, động viên người dân tham gia tập luyện giữ gìn sức khoẻ), cần tổ chức các lớp bồi dưỡng, tổ chức sát hạch, cấp văn bằng công nhận cho những người đủ điều kiện giảng dạy. Chỉ có như thế mới khuyến khích được nhân tài, khuyến khích những người hoạt động chân chính trong lĩnh vực thể thao, trong võ thuật hết lòng cống hiến tài trí của mình vì sự nghiệp TDTT của nước nhà. Và chỉ có thế mới giữ gìn và xiển dương được những tinh hoa của võ thuật, mới không tủi hổ với các bậc tiền nhân.
Người viết từng chứng kiến một chuyện, nhân tiện xin kể hầu các bạn. Chuyện như thế này: Vào năm 2005, một nông dân người Pháp do thích Thái cực quyền nên anh đã sang tận Trung Quốc tìm thầy cầu học. Kết quả sau 3 tháng anh mất 30 triệu VND mà không học được một chiêu nào cho ra hồn. Buồn đời, anh xuôi xuống VN và gặp được mấy ông thầy người Sài Gòn – Chợ Lớn, tưởng gặp được “Chân sư”, nào ngờ mấy thầy lòng dạ cũng không khác đám “Chân sư” bên Tàu (chuyện này có cả thầy Đạt hiện đang dạy TCQ trong Tao đàn biết, có cả sư phụ Lý Hồng Hơn trưởng môn TL Côn lôn biết, thầy cũng thường luyện võ trong Tao đàn).
Đấy, bạn sẽ nghĩ gì khi gặp phải mấy vị chân sư kia? Nếu bạn là người Pháp kia bạn sẽ nghĩ như thế nào nhỉ? Bạn còn yêu “Thái cực quyền” nữa ko?.
Tuy không có ý đả kích ai, và cũng không nhằm vào ai, mà tự đáy lòng chỉ mong mọi người nhận rõ GIẢ CHÂN, đặc biệt là những người muốn dùng Thái cực quyền như một liệu pháp để chữa trị bệnh tật biết và có hướng lựa chọn, có quyết định đúng đắn nhằm rút ngắn thời gian chữa trị bệnh tật và chữa trị có hiệu quả. Đối với những bạn trẻ, những người yêu thích môn Thái cực quyền thì lại càng phải tìm hiểu cho kỹ, phải tìm đúng minh sư không kẻo lại thất vọng như người bạn Pháp trên kia.
Vậy làm thế nào để phân biệt được thật giả, người viết chỉ nêu lên “tiêu đề” để các bạn đàm đạo nhưng xin mách nhỏ bạn rằng: bạn cứ đem “Thái cực quyền luận” của Vương Tông Nhạc, “Thái cực quyền Thập yếu” của Dương Tiên sinh, “Thập tam thế hành công tâm giải” ra mà so sánh hay xem họ giải thích như thế nào? Hoặc tỉ như khi mấy thầy thị phạm bài 42 cứ xem chiêu “yểm thủ quăng chùy” thì tất sẽ biết ngay thế nào là thật, thế nào là giả…
Chúc các bạn sớm thành công./.