Võ Thuật
GIỚI THIỆU BÀI QUYỀN "ĐƠN NHÂN THÔI THỦ".
BÀI QUYỀN “ĐƠN NHÂN THÔI THỦ”.
单人推手的间介
Nguồn gốc:
“Đơn nhân thôi thủ”(单人推手), hiểu một cách nôm na là một mình thôi thủ, hay “thôi thủ một mình”. Lẽ thường, phàm đã thôi thủ thì phải có địch nhân, có đối thủ, có con người cụ thể chứ chẳng ai điên gì lại đưa đẩy (thôi thủ) một mình. Kiểu đưa đẩy một mình như thế, người Việt ta gọi là “Múa gậy vườn hoang”, là đánh chỗ không người...mà đã đánh chỗ không người, múa gậy vườn hoang thì người Việt ta dứt khoát không làm(!?), thế mà ở đây, không những đã đánh chỗ không có người, đã múa gậy vườn hoang nhưng lại múa rất bài bản, rất qui củ thì kể cũng lạ, cũng hay... Đấy chính là lối sáng tạo rất đặc trưng của người Tàu, rất Tàu.
Thôi thủ (Thôi, 推 ‘tui’ tiếng Tàu tức là đẩy; Thủ ‘shou’, 手 là tay; 推手 chính là phép đẩy tay), gọi theo tiếng Tàu thì nghe sang thế thôi chứ thực ra khi chuyển sang tiếng Việt, “thôi thủ” thực chất chỉ là phép đẩy tay, cũng rất đỗi bình thường, bình thường như “chuyện thường ngày ở huyện” vậy, chả sang, chả quí gì. Nói như thế, nghe thì giản đơn, thế nhưng lại không phải như thế. “Đơn nhân thôi thủ” là bài quyền có nguồn gốc từ Võ Đang(武当)do cố Võ sư Triệu Trúc Khê (赵竹溪)truyền vào Việt Nam. Đây có thể được coi là một bài quyền rất lạ[1], rất đặc biệt; một hệ thống tập hợp những kỹ thuật đặc thù, rất đặc trưng, rất đặc biệt của võ phái nội gia quyền, một võ phái rất nổi tiếng trong võ đàn Trung Quốc và thế giới.
Theo sách “Thái Cực Đường Lang môn Triệu Trúc Khê tông sư kỷ niệm tập”(太极螳螂门赵竹溪宗师纪念缉), Triệu Trúc Khê tự là Trường Thanh(长青), sinh vào năm Quang Tự thứ 26 (1900) tại Triệu gia trang, thị trấn Sa Hà沙河镇, huyện Dịch奕县, tỉnh Sơn Đông山东省. Triệu Sư phụ là Chưởng môn đời thứ 7 của Thái cực Đường Lang (太极螳螂).
Năm 1937 từ Áo Môn奥门 (Ma Cao, Trung Quốc) Triệu sư phụ theo thương nhân Hoa kiều tên Cung Phàm Ảnh 供帆影đến Việt Nam (Hải Phòng). Năm 1945, vào Nam thành lập “Quốc Thuật nghiên cứu Xã”(国术研究社) tại đường Nguyễn Trãi. Về sau, Triệu sư phụ được mời làm Tổng giáo huấn luyện võ thuật tại Tinh võ Thể dục hội Sài Gòn (CLB sân Tinh võ Q5). Năm 1968, Triệu sư phụ dời Việt Nam về Hương Cảng và mất tại Hương Cảng vào ngày 4/8/1991[2].
Cố Võ sư Triệu Trúc Khê (1900 - 1991).
Thời trai trẻ, Triệu Trúc Khê từng đảm nhận chức Tiêu sư tại Tiêu Cục Đức Thắng (không thấy ghi thuộc địa phương nào), từng đến Thanh Phong Đạo quán青凤道观 bái đạo sĩ phái Võ Đang là Trương Vạn Thu张万秋 để học quyền và được Trương đạo sĩ truyền thụ bài “Ma Vân chưởng”.
Nội dung:
Toàn bài Đơn nhân thôi thủ gồm 81 thức (có sách ghi 79 thức, có sách ghi 82. Theo chúng tôi, con số 81 có lẽ hợp với nguyên tắc ‘cửu cửu qui nhất九九归一’ của Đạo gia hơn). Sáo lộ chủ yếu được bố trí theo qui luật âm dương phản phục. Động tác tư thức phong phú đa dạng, tiêu sái phiêu dật, nhu hoãn mềm mại, uyển chuyển tự nhiên… Là bài quyền rất đặc biệt, vừa dùng luyện võ, luyện khí, luyện sự dẻo dai, phát kình lực thông qua phép đẩy tay – thôi thủ – rất đặc trưng của võ phái Võ Đang.
“Đơn nhân thôi thủ” không những đáp ứng một cách đầy đủ các tiêu chí cơ bản của một môn võ thuật (phép công thủ được vận dụng rất linh hoạt, khéo léo) mà còn đáp ứng đầy đủ các nguyên tắc được coi là khó nhất (xin xem lại [Thái Cực Quyền Luận] của Vương Tông Nhạc王宗岳hay [Thái Cực Quyền Thập Yếu] của Dương Trừng Phủ杨惩俯) mà khó có bài quyền nào có thể đạt được kể cả các bài Lão giá của dòng họ Trần, của nhà họ Ngô, họ Tôn (các bài quyền của Trần gia, triền ty nhiều, phát kình lắm nên thường vi phạm nguyên tắc Dụng ý bất dụng lực, Tương liên bất đoạn; quyền thuật nhà họ Ngô, họ Tôn thường nặng về hình thức, về biểu diễn, kỹ thuật quá giản đơn, ít biến hóa nên khó có thể đạt đến trình độ ‘Tùng nhân sở dục’, ‘Tứ lạng bạt thiên cân’ chi cú)…
Qua nhiều năm tập luyện và theo dõi, chúng tôi nhận thấy bài “Đơn nhân thôi thủ” ngoài những ưu điểm đã kể trên thì đây là bài quyền dùng để rèn luyện tâm thể rất hữu hiệu, giúp tăng sức đề kháng, có tác dụng kiện thân tráng cốt, ích thọ diên niên. Đặc biệt, bài “Đơn nhân thôi thủ” tỏ ra rất hiệu quả đối với bệnh nhân có các bệnh về tim mạch, huyết áp và nhất là bệnh về khớp như gai, thoái hóa đốt sống cổ, lưng…
Xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn. Chúc các bạn luyện tập thành công và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống./.
p/s: Clip trên có mấy chỗ không đạt, hơi khiếm nhã, xin hành giả chớ bắt trước! Chúng tôi cũng đã cố gắng ghi lại nhưng vì ngoài CV đông người qua lại nên việc ghi hình cũng khó khăn. Thôi thì... nhân bất thập toàn, cứ để vậy cho nó thật, cốt ở nội dung. Xin có vài lời phân trần trước mong các bạn thông cảm.
Video BÀI QUYỀN “ĐƠN NHÂN THÔI THỦ” :
{flv}DonNhanThoiThu{/flv}
Bài viết và biểu diễn của Võ sư Thiều Ngọc Sơn.
[1] Vào năm 2005, khi đang tập ở ngoài CV thì có một doanh nhân người Đài Loan, ông rất ngạc nhiên và vô cùng thích thú khi nhìn thấy chúng tôi đi bài quyền “Đơn nhân thôi thủ”. Theo ông đây là bài quyền rất lạ, rất hay mà ở bên Đài không có, kể cả bên Trung Quốc Đại lục. Vào lúc bấy giờ, chính tôi và tất cả mọi người từ trước tới nay đều cho rằng đây là bài quyền do Triệu Sư phụ sáng tác khi tham gia giảng dạy võ thuật tại Việt Nam, và cũng chính vì vậy mà tôi đã rất tự tin khi trả lời vị doanh nhân kia rằng đây là bài quyền chỉ có ở Việt Nam (người viết chỉ biết nó có nguồn gốc từ Võ Đang mới đây khi đọc được tài liệu nguyên bản bằng tiếng Hoa như đã nói trên kia), quả là cực kỳ thiển cận.
[2] Trong loạt bài phóng sự “Võ lâm Sài Gòn – Chợ Lớn” của tác giả Ngọc Thiện đăng trên báo CATP vào tháng 2 – 3/2010, có vài chi tiết sai như sinh năm 1896 và mất năm 1992, ghi là Chưởng môn đời thứ 8 và năm đến Việt Nam vào năm 1951… Nay tôi xin lược dịch theo sách “Thái Cực Đường Lang môn Triệu Trúc Khê tông sư kỷ niệm tập” (sách do người vợ thứ ba của Triệu Sư Phụ tức tam sư mẫu Lâm Diệu Linh chủ biên và xuất bản nhằm tưởng nhớ 1 năm nhân ngày giỗ của Triệu Chưởng môn) chắc tư liệu sẽ chính xác hơn.